Lịch sử Việt Nam

Nguồn gốc người Việt – phần 4

4.   Mán Bạc

4.1.  Mấy ngàn năm bị mất

Khoảng 6000–3500 năm BP ở Đông Nam Á đất liền, cuối thời Hòa Bình, giới khảo cổ gọi là ‘mấy ngàn năm bị mất’ (the missing millenia) bởi họ ít gặp di tích của người xưa trong thời gian đó, mà chẳng hiểu vì sao.[1] (BP = before present, nghĩa là ‘trước năm 1950’.) Gần đây, một nhóm khoa học gia người Mỹ tìm ra chứng cớ trong hang Tham Doun Mai ở miền bắc xứ Lào, cho biết đã có một cơn hạn (thiếu mưa) kéo dài hơn một ngàn năm ở Đông Nam Á, cùng lúc với khí hậu đổi từ ẩm sang khô ở sa mạc Sahara bên châu Phi trong quãng 5500–3500 BP,[2] mà mỗi 20 ngàn năm xảy ra một lần, ẩm-khô-ẩm-khô.[3] Cơn hạn đó có lẽ là duyên cớ của ‘mấy ngàn năm bị mất’ ở Đông Nam Á, nhưng nó gây ra hệ lụy gì cho thổ dân Hòa Bình: họ đã chết bộn, hay là kéo nhau đi kiếm sống ở đâu, thì ta chưa rõ.

Riêng ở Việt Nam (viết tắt ‘VN’), ta đoán rằng phần đông thổ dân Hòa Bình đã ra miệt biển kiếm sống, dựa theo di tích của họ để lại trong khoảng 7000–4000 BP mà nay còn tìm thấy ở những nơi gần biển từ miền bắc vô tới miền trung, thí dụ Cái Bèo (Hải Phòng), Đa Bút (Thanh Hóa), Quỳnh Văn (Nghệ An) và Bàu Dũ (Quảng Nam).[4] Ở những nơi này, thổ dân Hòa Bình ắt là kiếm sống bằng cách vớt [cá] chớ không còn săn-hái như xưa.

Và rồi, sau ‘mấy ngàn năm bị mất’, đột nhiên nảy ra những nhóm người mà ở đây ta gọi là ‘đá mới’ (neolithic) theo cái nghĩa ‘họ đã biết làm ra đồ ăn nhưng chưa biết làm ra đồ kim khí’.[5] Thí dụ người Mán Bạc (Ninh Bình), họ đã biết nuôi chó nhà (di tích có ‘date’ 3693–3573 BP), nhốt heo rừng (di tích có date 3836–3694 BP) và trồng lúa.[6] (Nói thêm: chó nhà thì người Trung Á đã thuần dưỡng từ 15 ngàn năm trước.[7])

Vậy ta có ba mốc thời gian ở Đông Nam Á đại khái như sau:

  • trước 6000 BP: thổ dân Hòa Bình với nếp sống săn-hái,
  • 6000–4000 BP: thiếu dữ liệu khảo cổ,
  • sau 4000 BP: những nhóm đá mới với nếp sống nuôi-trồng, thí dụ Mán Bạc (VN) và Khok Phanom Di (Thái Lan).

Như ta đã biết, thổ dân Hòa Bình là lớp tổ thứ nhứt để lại genome cho người Việt nói chung và Y-DNA cho đàn ông người Việt nói riêng. Lớp tổ thứ hai có thể là những nhóm người đá mới, mà đại diện là Mán Bạc.

Vậy ở bài này ta sẽ tìm hiểu người Mán Bạc, coi họ là ai:

  • họ là thổ dân Hòa Bình vốn không biết nuôi-trồng nhưng qua mấy ngàn năm bị hạn thì [bằng cách nào đó] cũng biết nuôi-trồng?
  • họ là di dân vốn đã biết nuôi-trồng từ nơi khác tới?

4.2.  Phân biệt di dân với thổ dân

4.2.1.    Dựa theo mức tăng dân số

Đại chúng thường cho rằng nhờ biết làm nông mà dân số loài người mới tăng, nói cách khác: những nhóm nuôi-trồng thì ắt có dân số tăng lẹ hơn những nhóm săn-hái. Nhưng không phải vậy. Một nhóm khoa học gia người Mỹ tính ra rằng trong khoảng thời gian 12000–2000 năm BP kêu bằng ‘Holocene’, mọi nhóm người trên trái đất đều có một mức tăng dân số hàng năm y như nhau, đó là 0.043±0.011% – dù họ theo nếp sống săn-hái hay nuôi-trồng.[8]

Hình 1 cho thấy mức tăng dân số tự nhiên (rate of natural population increase, viết tắt ‘RNPI’) của những nhóm săn-hái và nuôi-trồng ở Đông Nam Á hàng năm trong một khoảng thời gian ngắn 6500–2000 BP.

Hình 1. vẽ lại theo McFadden et al.[9]

Ta thấy mọi nhóm đều có RNPI cao hơn mức 0.04% nêu trên (không tính trường hợp đặc biệt của nhóm Huiyaotian ở Quảng Tây), nhưng bỏ qua điều đó thì có hai điều đáng nói như sau.

  1. RNPI của nhóm săn-hái Cồn Cổ Ngựa và những nhóm nuôi-trồng ở Thái Lan thì gần bằng nhau, trong khoảng 0–2% (ô vuông màu đỏ trong hình).

Điều này dễ hiểu, vì như đã nêu bên trên, nếp sống săn-hái hay nuôi-trồng thì không tác động tới mức tăng dân số.

  1. RNPI của nhóm đá mới ở Mán Bạc [và Khok Phanom Di] thì cao hơn nhóm săn-hái ở Cồn Cổ Ngựa gần 4 lần.

Điều này không có nghĩa là nhóm Cồn Cổ Ngựa săn-hái đã trở thành nhóm Mán Bạc nuôi-trồng, và nhờ vậy mà RNPI tăng lên gấp 4 lần. Vì như đã nêu bên trên, nếu nhóm Cồn Cổ Ngựa đổi nếp sống săn-hái sang nuôi-trồng thì RNPI vẫn giữ nguyên mới là hợp lý.

Vậy người Mán Bạc không phải thổ dân Hòa Bình đổi nếp sống từ săn-hái sang nuôi-trồng, mà là một nhóm di dân vốn đã biết nuôi-trồng từ nơi khác tới.

Và ta đoán có một lý do làm cho RNPI của nhóm di dân ở Mán Bạc tăng lên, đó là vì nhóm này chẳng những biết nuôi-trồng mà khi sang VN còn biết thêm cách săn-hái của thổ dân nên có nhiều đồ ăn hơn.

4.2.2.    Dựa theo số đo hình thể

Matsumura et al[10] khảo sát dữ liệu 11 số đo sọ và 6 số đo răng của 6 mẫu người Mán Bạc, nhận ra hai nhóm sọ và răng khác nhau:

  1. gồm 1 mẫu giống với những nhóm thổ dân Hòa Bình ở Đông Nam Á, thí dụ Đa Bút (VN) và Gua Cha (Malaysia),
  2. gồm 5 mẫu giống với những nhóm đá mới ở Đông Á thí dụ Weidun theo văn hóa Majiabang (c7000–5300 BP).

Ở hình 2, những chấm đỏ là các nhóm đá mới có chung kiểu sọ và răng với nhau.

Hình 2. vẽ lại theo Matsumura et al.[11]

Dựa theo đó, Matsumura et al11 đặt ra giả thiết rằng có hai lớp người xưa lần lượt đi tới định cư ở Đông Nam Á, như sau (hình 3):

  1. thổ dân Hòa Bình (đường màu đỏ),
  2. di dân đá mới, thí dụ Mán Bạc (đường màu lam).

Hình 3. vẽ lại theo Matsumura et al.11

Dữ liệu của Matsumura et al10 nêu trên cũng cho thấy hai lớp di dân và thổ dân Hòa Bình đã sống chung với nhau ở Mán Bạc.

4.3.  Gốc của di dân Mán Bạc

Bảng 1. Y-DNA haplogroup (viết tắt ‘yhg’) của 5 mẫu người Mán Bạc.[12]

mẫudate (BCE)yhg[13]tên ngắn
1.                   1876–1687CTCT-M168
2.                   1872–1636O1b1a1a1bO-F2028
3.                   2200–1600O2a1bO-CTS2483
4.                   2200–1600O2a2a1O-CTS3106
5.                   1882–1742O2a2b1a2a1a3O-F3386

Nhận xét

Mán Bạc mẫu 1 hẳn là thổ dân Hòa Bình và các mẫu 2–5 hẳn là di dân, trong kết quả khảo cứu của Matsumura et al10 nêu trên.

Bảng 2. Dữ liệu yhg của một số mẫu người đá mới ở Đông Á.12

mẫudate (BCE)yhg14tên ngắnđịa điểm
1.                   3300–2100O1aO-M119Liangzhu
2.                   3300–2100O1aO-M119Liangzhu
3.                   3300–2100O1aO-M119Liangzhu
4.                   3300–2100O1aO-M119Liangzhu
5.                   3300–2100O1aO-M119Liangzhu
6.                   3300–2100O1aO-M119Liangzhu
7.                   3300–2100O1aO-M119Liangzhu
8.                   3300–2100O1aO-M119Liangzhu
9.                   3300–2100O1aO-M119Liangzhu
10.               4400–3300O1b1a1aO-M95Daxi
11.               4400–3300O2O-M122Daxi
12.               4400–3300O2a2a1a2aO-M209Daxi
13.               4400–3300O2a2a1a2aO-M209Daxi
14.               4400–3300O2a2a1a2aO-M209Daxi
15.               4400–3300O2a2a1a2aO-M209Daxi
16.               4400–3300O2a2a1a2aO-M209Daxi
17.               2861–2458O2a2b1a2a1a3O-F3386Longshan

Nhận xét

Từ bảng 1 và 2, ta được bảng 3 dưới đây (‘–’ nghĩa là ‘không có’).

yhgLiangzhuDaxiLongshanMán Bạc
O1amẫu 1–9
O1b1a1amẫu 10mẫu 2 (O1b1a1a1b)
O2mẫu 11
O2a2a1a2amẫu 12–16mẫu 4 (O2a2a1)
O2a2b1a2a1a3mẫu 17mẫu 5
O2a1bmẫu 3

Theo dữ liệu bảng 3, ta dè dặt cho rằng:

Phần đông [đàn ông] người Mán Bạc là dòng dõi của vài nhóm người đá mới ở Daxi (Đại Khê) và Longshan (Long Sơn).

Hình 4. gốc của di dân Mán Bạc (vẽ lại theo bản đồ của Kanguole[14] và Slideplayer.com[15]).

4.4.  Thảo luận

Tới đây ta được biết người Mán Bạc có lẽ là di dân từ Daxi và Longshan trên miền Đông Á, đã sang miền bắc VN lối 4000 BP. Họ nói những thứ tiếng gì, họ đem sang những giống lúa gì, họ còn tới những nơi nào khác, thí dụ Phùng Nguyên, hay chăng, thì, tiếc thay, ta chưa rõ, vì bị thiếu dữ liệu.

Ở những bài sau, ta sẽ tìm hiểu coi người Mán Bạc có phải là một lớp tổ của người Việt ngày nay, sau thổ dân Hòa Bình, hay chăng.


[1] Joyce White, Emergence of cultural diversity in mainland Southeast Asia: a view from prehistory, in Dynamics of human diversity, 9-46, ed N. J. Enfield. Pacific Linguistics, 2011.

[2] Griffiths, M.L., Johnson, K.R., Pausata, F.S.R. et al. End of Green Sahara amplified mid- to late Holocene megadroughts in mainland Southeast Asia. Nat Commun 11, 4204 (2020). https://doi.org/10.1038/s41467-020-17927-6

[3] Bryan Lynn (2019), Study: Sahara changed from wet to dry every 20,000 Years. https://learningenglish.voanews.com/a/study-africa-s-sahara-changed-from-wet-to-dry-every-20-000-years/4727881.html

[4] Nguyễn Khắc Sử, Các văn hóa biển tiền sử Việt Nam – giá trị lịch sử văn hóa nổi bật, Khoa học Đại học Đà Lạt tập 10, Số 1, 2020 3-20.

[5] Marc F. Oxenham and Hirofumi Matsumura, Man Bac: regional, cultural and temporal context, in Man Bac: the excavation of a neolithic site in northern Vietnam, ed Marc F. Oxenham, Hirofumi Matsumura and Nguyen Kim Dung (2011).

[6] Rebecca K Jones (2017) Transitions to animal domestication in Southeast Asia: Zooarchaeological analysis of Cồn Cổ Ngựa and Mán Bạc, Vietnam. Ph.D thesis.

[7] Laura M. Shannon, Ryan H. Boyko, Marta Castelhano, Elizabeth Corey, Jessica J. Hayward et al (2015) Genetic structure in village dogs reveals a Central Asian domestication origin. https://www.pnas.org/doi/full/10.1073/pnas.1516215112

[8] Zahid HJ, Robinson E, Kelly RL. Agriculture, population growth, and statistical analysis of the radiocarbon record. Proc Natl Acad Sci U S A. 2016 Jan 26;113(4):931-5. doi: 10.1073/pnas.1517650112. Epub 2015 Dec 22. Erratum in: Proc Natl Acad Sci U S A. 2016 May 3;113(18):E2546. PMID: 26699457; PMCID: PMC4743794

[9] Clare McFadden, Hallie Buckley, Siân E. Halcrow, Marc F. Oxenham, Detection of temporospatially localized growth in ancient Southeast Asia using human skeletal remains, Journal of Archaeological Science, Volume 98, 2018, Pages 93-101, ISSN 0305-4403, https://doi.org/10.1016/j.jas.2018.08.010.

[10] Hirofumi Matsumura, Marc Oxenham, Yukio Dodo, Kate Domett, Nguyen Kim Thuy, Nguyen Lan Cuong et al, Morphometric affinity of the late Neolithic human remains from Man Bac, Ninh Binh Province, Vietnam: key skeletons with which to debate the ‘two layer’ hypothesis, Anthropological Science Vol. 116(2), 135–148, 2008.

[11] Hirofumi Matsumura, Hsiao-chun Hung, Charles Higham, Chi Zhang, Mariko Yamagata, Lan Cuong Nguyen et al, Craniometrics reveal two layers of prehistoric human dispersal in Eastern Eurasia, Scientific Reports | (2019) 9:1451.

[12] Carlos Quiles (2018-2020) Ancient Y-DNA and mtDNA, https://indo-european.eu/ancient-dna/

[13] International Society of Genetic Genealogy. Y-DNA Haplogroup Tree 2019, Version: 15.73, Date: 11 July 2020, http://www.isogg.org/tree/ Date of access: 16 Dec 2022.

[14] by Kanguole – This file was derived from: Eastern China blank relief map.svg, CC BY-SA 4.0, https://commons.wikimedia.org/w/index.php?curid=42043113

[15] https://slideplayer.com/slide/15059035/

Nguồn: https://nghiencuulichsu.com/2023/01/16/nguon-goc-nguoi-viet-bai-4/

admin

About Author

You may also like

Lịch sử Việt Nam

Nguồn gốc người Việt – Phần 1

  • Tháng mười hai 1, 2023
1.   Giới thiệu 1.1.  Đại phong là gì? Với loạt bài này, tôi muốn trình bày một số kết quả
Lịch sử Việt Nam

Nguồn gốc người Việt – Phần 2

  • Tháng mười hai 1, 2023
2.   Hòa Bình 2.1.  Giới thiệu Hòa Bình là một ‘truyền thống làm đồ đá’ (lithic technological tradition),[1] gọi theo tên của