Nguồn gốc người Việt – Phần 5
5. Lớp tổ thứ hai
5.1. Giới thiệu
Bài 4 gợi ý rằng hai nhóm người đá mới từ Daxi (Đại Khê) và Lungshan (Long Sơn) bên Đông Á đã sang miền bắc Việt Nam (viết tắt ‘VN’) tạo nên nhóm người Mán Bạc. Đó là chưa kể nhóm đá mới Xitoucun (Khê Đầu Thôn, 2468–2239 BCE) bên Phước Kiến cũng có thể đã sang VN góp phần tạo nên người Mán Bạc. Hình 1 cho thấy những ‘marker’ mà mấy nhóm đó có chung với nhau.
Bentley et al[1] cho rằng ở những nhóm đá mới ven sông/biển, thí dụ Mán Bạc, hoặc Khok Phanom Di bên Thái, thì đàn bà là người chủ dòng họ (matriliny) và vợ ở đâu chồng ở đó (matrilocality). Được biết nhóm Daxi cũng theo ‘mẫu hệ’ như vậy.[2]
Ở Mán Bạc, nhóm khảo cổ Việt–Úc đã tìm thấy bộ xương của một anh bị liệt nửa mình dưới từ khi còn nhỏ, do mắc hội chứng Klippel–Feil loại III, mà vẫn được người ta tận tình chăm nuôi cho sống tới gần 30 tuổi, dù thời đó ắt chưa có chén muỗng như thời nay, và khi chết được chôn cất đàng hoàng.[3] Đó hẳn là chứng cớ đầu tiên cho thấy tình thương nơi người xưa trên đất Việt.
Bài này nêu thêm dữ liệu để làm rõ hai điều:
- phải chăng các nhóm đá mới Daxi, Lungshan và/hoặc Xitoucun đã qua miền bắc VN tạo nên nhóm Mán Bạc?
- phải chăng nhóm Mán Bạc là một lớp tổ của người Việt thời nay?
5.2. Khảo cứu
5.2.1. Genome
Trước hết ta coi qua một số kết quả khảo cứu, sau đó sẽ nêu nhận xét.
Lipson et al[4] cho kết quả như hình 2.
Theo đó, ta nhận ra hai lớp người mà những nhóm trong mỗi lớp thì có DNA giống nhau:
- lớp 1: gồm 3 nhóm đá mới Mán Bạc, Ban Chiang, Vat Komnou và những nhóm nói tiếng Austroasiatic thời nay như Mlabri, Cambodian, Nicobarese;
- lớp 2: gồm nhóm Núi Nấp thời đồ đồng Đông Sơn và những nhóm Việt, Lào, Dai, Lahu thời nay.
Wang et al[5] cho kết quả như hình 3.
Theo đó ta thấy:
- thành phần [màu cam] của thổ dân Hòa Bình vẫn còn ở người Việt thời nay (đã nói ở bài 2);
- nhóm Mán Bạc có thành phần chánh [màu hường] của người miền nam Đông Á pha với một chút thành phần [màu tím] của nhóm Xitoucun hay gặp ở những nhóm nói tiếng Austronesian thời nay.
- nhóm Núi Nấp gần giống với nhóm Mán Bạc;
- ở người Việt thời nay, có thêm thành phần [màu xanh lục] của người đá mới Hoàng Hà làm cho thành phần Austronesian mất hẳn.
Wang et al[6] cho kết quả như hình 4.
Theo đó ta thấy:
- nhóm Xitoucun và các nhóm đá mới ở VN đều có gần 100% genome là thành phần Austronesian [màu nâu];
- ở nhóm Đông Sơn, có thêm thành phần [màu xanh lam] của người Đông Nam Á – nam Đông Á làm bớt đi thành phần Austronesian;
- ở người Việt thời xưa (dường như là mẫu Hòn Hai Cô Tiên ở Quảng Ninh, date 307–0 BP), có thêm thành phần [màu đỏ] của người miền bắc Đông Á.
- ở người Việt thời nay, thành phần ‘bắc Đông Á’ tăng lên làm cho thành phần Austronesian mất hẳn.
Ren et al[7] cho kết quả như hình 5.
Theo đó ta thấy:
- nhóm Mán Bạc có thành phần chánh [màu vàng] của người miền nam Đông Á – Đông Nam Á pha với một chút thành phần Austronesian [màu hường] của nhóm Xitoucun;
- ở nhóm Đông Sơn, có thêm các thành phần [màu tím] của người đá mới Hoàng Hà và [màu xanh lam] của những nhóm nói tiếng Hmong-Mien thời nay;
- ở người Việt thời nay, thành phần ‘đá mới Hoàng Hà’ còn tăng thêm.
Yang et al[8] cho kết quả như hình 6.
Theo đó ta thấy:
- các nhóm Xitoucun, Mán Bạc, Đông Sơn và người Việt thời nay đều có thành phần chánh [màu tím] của người miền nam Đông Á – Đông Nam Á pha với một chút thành phần [màu xanh lam] của người Tianyuan (Điền Viên)[9] xưa gần 40 ngàn năm ở Đông Á.
- riêng người Việt thời nay có thêm thành phần [màu xanh lục] của người đá mới Hoàng Hà và một ít thành phần [màu hường] của những nhóm nói tiếng Hmong-Mien, làm cho thành phần Tianyuan giảm đi.
Từ dữ liệu nêu trên, ta rút ra được 5 ý như ở hình 7.
Hình 7 cho thấy nếu ta chọn ý #1 (Lipson et al4) như một điều kiện, thì ý #4 (Ren et al7) sẽ phù hợp với điều kiện đó hơn hết, vì, ở ý #4, từ người Đông Sơn sang người Việt thời nay đều có chung hai thành phần ‘đá mới Hoàng Hà’ và ‘Hmong-Mien’, mà hai thành phần này thì người Mán Bạc chưa có.
Vậy ta đã tìm được dữ liệu cho thấy rằng (hình 8):
- nhóm đá mới Xitoucun bên Phước Kiến đã qua miền bắc VN ở chung với thổ dân bổn địa và góp phần tạo nên nhóm Mán Bạc.
- nhóm Mán Bạc là một lớp tổ của người Việt thời nay, với thành phần chánh trong genome là ‘nam Đông Á – Đông Nam Á’.
Riêng hai nhóm Daxi và Lungshan thì, tiếc thay, không có dữ liệu, nên ta bỏ qua.
Để tránh hiểu lầm, cần nhắc lại rằng nhóm người đem thành phần ‘đá mới Hoàng Hà’ sang Đông Sơn, như nói trên, thì có thể là bất cứ nhóm người nào của một sắc dân nào ở Đông Á lúc đó mà nói bất cứ thứ tiếng gì trong các ngữ hệ Đông Á thí dụ Sino-Tibetan, Kra-Dai, Hmong-Mien, Austronesian hoặc Mongolic, chớ không nhứt thiết phải là người Tàu nói tiếng Tàu.
5.2.2. Nuôi heo
Wannajuka et al[10] khảo sát DNA của những mẫu di tích heo có date trễ nhứt là 3000 BP tìm thấy ở Pong Takhop, miền trung Thái Lan, cho biết gần như hết thảy những mẫu heo đó đều có thể đã nảy ra từ vài nguồn mà di dân từ miền nam Đông Á đem sang Thái Lan vài đợt trong khoảng 4000–3000 BP. Trước đó thổ dân dường như chưa nuôi heo vì những hiện vật khảo cổ tìm thấy trong vùng thì có date trễ nhứt cũng là 3000 BP thôi. Heo mà người ta nuôi ở miền bắc Thái Lan thời nay thì vẫn còn DNA của phần lớn các mẫu heo Đông Á đó, nhưng những giống heo mới ở Thái Lan thì có gốc từ các nguồn khác.
Vậy ta có thêm dữ liệu để cho rằng di dân Đông Á đã đem kiến thức trồng lúa nuôi heo tới Đông Nam Á trong khoảng 4000 BP, sau mấy ngàn năm bị hạn.
5.3. Thảo luận
Ta vẫn chưa rõ những nhóm di dân sang VN đã nói những thứ tiếng gì (không kể nhóm nói tiếng Hmong-Mien) và những thứ tiếng đó nay còn để lại dấu tích gì trong tiếng Việt thời nay hay chăng.
Điều đó, nếu có dịp, ta sẽ tìm hiểu ở những bài sau.
Chót hết, Hạng Võ, tướng nước Sở thời xưa, là một đực rựa ở yhg O-M7.[11] Mà số người O-M7 trong những nhóm nói tiếng Hmong-Mien thì đông hơn trong những nhóm nói những thứ tiếng khác ở Đông Nam Á và miền nam Đông Á.[12] Cho nên Hạng Võ dám là một người nói tiếng Hmong-Mien không chừng.
[1] R. Alexander Bentley, Baptiste Pradier, Aung Aung Kyaw, Thomas Oliver Pryce. Kinship and migration in prehistoric mainland Southeast Asia: An overview of isotopic evidence. Archaeological Research in Asia, 2021, 25, pp.100260. 10.1016/j.ara.2021.100260. hal-03499487
[2] http://en.chinaculture.org/library/2003-09/24/content_39134.htm
[3] Marc F. Oxenham, Lorna Tilley, Hirofumi Matsumura, Lan Cuong Nguyen, Kim Thuy Nguyen, Kim Dung Nguyen, Kate Domett, Damien Huffer, Paralysis and severe disability requiring intensive care in Neolithic Asia, Anthropological Science vol. 117(2), 107–112, 2009
[4] Mark Lipson, Olivia Cheronet, Swapan Mallick, Nadin Rohland, Marc Oxenham, Michael Pietrusewsky et al, Ancient genomes document multiple waves of migration in Southeast Asian prehistory, Science 361, 92–95 (2018).
[5] Tianyi Wang, Wei Wang, Guangmao Xie, Zhen Li, Xuechun Fan, Qingping Yang, Xichao Wu, Peng Cao,
Yichen Liu, Ruowei Yang, Feng Liu, Qingyan Dai, Xiaotian Feng, Xiaohong Wu, Ling Qin, Fajun Li, Wanjing
Ping, Lizhao Zhang, Ming Zhang, Yalin Liu, Xiaoshan Chen, Dongju Zhang, Zhenyu Zhou, Yun Wu, Hassan
Shafiey, Xing Gao, Darren Curnoe, Xiaowei Mao, E. Andrew Bennett, Xueping Ji, Melinda A. Yang, Qiaomei
Fu. “Human population history at the crossroads of East and Southeast Asia since 11,000 years ago,” Cell,
Volume 184, Issue 14, 2021, 3829-3841.e21, https://doi.org/10.1016/j.cell.2021.05.018.
[6] Wang, CC., Yeh, HY., Popov, A.N. et al. Genomic insights into the formation of human populations in East Asia. Nature 591, 413–419 (2021). https://doi.org/10.1038/s41586-021-03336-2
[7] Ren Z, Yang M, Jin X, Wang Q, Liu Y, Zhang H, Ji J, Wang C-C and Huang J (2022) Genetic substructure of Guizhou Tai-Kadai-speaking people inferred from genome-wide single nucleotide polymorphisms data. Front. Ecol. Evol. 10:995783. doi: 10.3389/fevo.2022.995783
[8] Meiqing Yang, Guanglin He, Zheng Ren, Qiyan Wang, Yubo Liu et al, Genomic insights into the unique demographic history and genetic structure of five Hmong-Mien-speaking Miao and Yao populations in Southwest China, Frontiers in Ecology and Evolution, June 2022 | Volume 10 | Article 849195
[9] Fu, Qiaomei & Meyer, Matthias & Gao, Xing & Stenzel, Udo & Burbano, Hernán & Kelso, Janet & Pääbo, Svante. (2013). DNA analysis of an early modern human from Tianyuan Cave, China. Proceedings of the National Academy of Sciences of the United States of America. 110. 10.1073/pnas.1221359110.
[10] Muttana Wannajuka, Pradit Sangthonga, Surapol Natapintub, Passorn Wonnapinija, Supachai Vuttipongchaikijc et al, Ancient DNA of pigs in Thailand: Evidence of multiple origins of Thai pigs in the late Neolithic period, ScienceAsia 39 (2013): 456–465.
[11] http://famousdna.wiki.fc2.com
[12] Hui Li, Ying Huang, Laura F. Mustavich, Fan Zhang, Jing-Ze Tan, Ling-E Wang et al, Y chromosomes of prehistoric people along the Yangtze River, Hum Genet (2007) 122:383–388.
Nguồn: https://nghiencuulichsu.com/2023/02/21/nguon-goc-nguoi-viet-bai-5/