Nguồn gốc người Việt – phần 9
9. Đông Sơn: trống đồng
Ta đã tìm hiểu vài địa điểm đá mới ở miền bắc Việt Nam hồi 4000 BP, thí dụ Mán Bạc, nơi những nhóm di dân đem nếp sống nuôi-trồng từ miền nam Đông Á qua ở chung với cư dân bổn địa. Trong hàng ngàn năm tiếp theo, cư dân bổn địa làm quen với nghề đúc đồng, chứng cớ là những di tích tìm thấy ở Đồng Đậu (Vĩnh Phúc), Gò Mun (Phú Thọ), thành Dền (Hà Nội).[1] Tới 2500 BP, cư dân ở Đông Sơn (Thanh Hóa) đã có thể đúc những cái trống đồng tinh xảo mà ngày nay (1975) người ta đúc thử năm lần cũng mới được 70–80% của nguyên bổn.[2]
Đàng khác, như đã nêu ở phần 5, ta được biết trong ‘genome’ của người Đông Sơn, so với người Mán Bạc, có thành phần Đông Á nhiều hơn.
Tức là đã có thêm những nhóm di dân từ Đông Á qua ở chung với cư dân Đông Sơn.
Những nhóm di dân đó là ai? Họ sang đây ở từ khi nào? Phải chăng họ đã đem kiến thức nghề đồng sang giúp cư dân bổn địa ‘upgrade’ lên văn hóa đồ đồng? Họ có để lại chút gì trong genome của người Việt thời nay?
Những điều đó, ta sẽ tìm hiểu từ phần này trở đi. Trước hết, ta rà lại trống đồng Đông Sơn coi có tìm ra manh mối gì chăng.
Và ta tìm ra hai chuyện lạ.
9.1. Hai chuyện lạ
9.1.1. Trống
Cư dân Đông Sơn đúc ra những cái trống đẹp như vậy, tức nhiên họ phải có sẵn trong tay một cái mẫu hoàn chỉnh để theo đó mà làm khuôn đúc. Nếu không có ‘blueprint’ như ngày nay thì ít nhứt cũng phải có thứ gì rõ ràng là một cái trống, gồm mấy phần, và mỗi phần có hình dáng ra sao, vân vân (hình 1). (Đó là chưa nói tới cái ‘layout’ trình bày hoa văn, cũng phải có sẵn.)
Advertisement
Hình 1.
Và muốn có một mẫu trống ưng ý, cư dân Đông Sơn ắt phải mầy mò thử tới thử lui nhiều lần qua hàng ngàn năm trước đó. Nếu vậy, hẳn họ phải để lại di tích mẫu trống, bằng đồng hoặc bằng gốm. Song le, ngay ở Thành Dền, được coi như ‘một trung tâm luyện kim lớn thuộc văn hóa Đồng Đậu’, di tích đồ đồng cũng là khí giới và dụng cụ mà thôi,1 chớ chẳng có thứ chi giống như mẫu của một cái trống.
Người ta đã tìm ra mảnh khuôn đúc trống ở Luy Lâu (Bắc Ninh) có ‘date’ 357–167 BCE,[3] đó là chứng cớ của việc đúc trống đồng ở Luy Lâu thời đó mà thôi, chớ không phải là chứng cớ của cái mẫu mà cư dân Luy Lâu dựa theo để làm khuôn.
Chuyện lạ thứ nhứt: Cư dân Đông Sơn dựa theo mẫu ở đâu để làm khuôn đúc trống?
9.1.2. Đồng
Cư dân Đông Sơn đã đúc cả ngàn cái trống chớ chẳng ít, họ phải cần nhiều đồng. Tức nhiên ắt họ biết cách luyện quặng đồng từ mỏ ở bổn xứ. Nếu vậy, họ phải để lại di tích luyện quặng đồng ở một ‘quy mô’ lớn. Song le, chẳng có di tích nào như vậy nơi đâu hết.1
Chuyện lạ thứ hai: Cư dân Đông Sơn lấy đồng ở đâu để đúc trống?
9.2. Dữ liệu khoa học
9.2.1. Trống
Hình 2 cho biết thành phần kim loại trong thứ vật liệu dùng để đúc trống ở Yunnan (Vân Nam), Việt Nam và Malaysia-Indonesia (Hollman et al[4]).
Theo đó ta thấy mọi nơi đều dùng đồng-pha-thiếc (bronze), nhưng có một điều khác biệt rõ ràng: ở Yunnan không pha thêm chì, ngược lại, ở Việt Nam và Malaysia-Indonesia thì có pha thêm chì. Nói cách khác, vật liệu đúc trống ở Yunnan là đồng-thiếc, vật liệu đúc trống ở Đông Nam Á là đồng-thiếc-chì.
Thêm chì thì được thêm tiện lợi trong việc pha và đúc đồng, nên, nói theo thời nay, đó là một ‘hoạt động cải tiến’ (improvement). Mà thứ được-cải-tiến thì rõ ràng là xảy ra sau thứ chưa-được-cải-tiến. Tóm lại, trống đồng ở Việt Nam và Malaysia-Indonesia thì đã được cải tiến so với trống đồng ở Yunnan, nên ta có thể cho rằng: trống đồng ở Việt Nam và Malaysia-Indonesia thì đúc sau trống đồng ở Yunnan.
Hollman et al4 cũng cho rằng ta có thể dựa theo hàm lượng chì trong hợp kim đúc trống để ước đoán thời gian đúc trống: ‘It seems that the proportion of lead in the alloy may be used for the chronological assessment of drums.’
Hình 2. vẽ lại theo Hollman et al.4
Ngoài ra, ở Yunnan thời đó, chẳng những trống mà mọi món đồ khác (dụng cụ, khí giới) cũng đúc bằng đồng-thiếc không có chì (hình 3), nên ta có thể tin rằng trống đúc bằng đồng-thiếc-chì ở Việt Nam và Malaysia-Indonesia là một ‘hoạt động cải tiến’ xảy ra trễ hơn trống đúc bằng đồng-thiếc ở Yunnan.
(Wanjiaba 万家坝 và Dabona 大波那 là hai nơi ở Yunnan tìm thấy đồ đồng thời Chiến Quốc chôn theo người chết trong mộ.)
Hình 3. vẽ lại theo Hollman et al.4
Bây giờ là điều quan trọng: ở miền bắc Việt Nam đã tìm được gần 20 trống Wanjiaba,[5] mà ta được biết là xưa hơn trống đồng Đông Nam Á theo dữ liệu ở hình 2.
Vì sao nói đó là điều quan trọng? Vì từ điều đó, ta suy ra rằng trống Wanjiaba chính là hình mẫu có sẵn mà cư dân miền bắc Việt Nam dựa theo để đúc trống Đông Sơn.
9.2.2. Đồng
Hình 4 cho thấy những địa điểm có di tích luyện quặng đồng ở Yunnan và Đông Nam Á.
Hình 4. vẽ lại theo Yao et al.[6]
Khao Wong Prachan Valley (số 14 hình 4) là nơi luyện quặng đồng trong khoảng 1450 BCE – 300 CE, ở hai địa điểm Non Pa Wai và Nil Kham Haeng cách nhau 3km (viết tắt ‘NPW’ và ‘NKH’ trong hình 5), với sơ đồ ‘phục chế công nghệ’ (technological reconstruction) như hình 5.
Hình 5. vẽ lại theo Pryce.[7]
Hình 4 gợi ý rằng cư dân Đông Sơn có lẽ đã lấy đồng ở hai nơi gần nhứt là Shijiazhai 施家寨 và Longbohe 龙脖河 bên Yunnan (số 9 trong hình), đem về theo lối sông Hồng. (Họ lấy đồng bằng cách nào, ta sẽ bàn sau.)
9.3. Manh mối
Tới đây, ta đã rút ra hai ý:
- trống Wanjiaba là hình mẫu mà cư dân bổn địa dựa theo để đúc trống Đông Sơn (hình 6).
- Yunnan là nơi mà cư dân bổn địa lấy đồng để đúc trống Đông Sơn.
Hình 6.
(Trống Wanjiaba ở hình 6 là trống 93.LC.XI tìm thấy năm 1993 ở Lào Cai, chôn chung hai trống Đông Sơn trong mộ.5)
Mẫu trống và nguồn đồng, nói theo ‘hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001’ ngày nay, là hai cái ‘requirement’ (yêu cầu) trong ‘quy trình sản xuất trống đồng’ cần phải đáp ứng trước khi tiến hành hoạt động đúc trống đồng.
Hai cái ‘yêu cầu’ đó (mẫu trống ở Yunnan và nguồn đồng ở Yunnan) cho ta hiểu rằng cái ‘quy trình sản xuất trống đồng’ nêu trên thì không phải do cư dân Đông Sơn soạn ra mà do nhóm người khác soạn ra.
Tóm lại, có một/vài nhóm di dân từ Yunnan đã sang ở chung với cư dân bổn địa và chuyển giao kiến thức đúc trống đồng cho cư dân bổn địa.
9.4. Hiệp hội sản xuất – tiêu thụ đồng
Cư dân Đông Sơn đã lấy đồng ở Yunnan bằng cách nào?
Pryce et al[8] phân tách dữ liệu đồ đồng ở Yunnan và Đông Nam Á, cho rằng giữa các nơi sản xuất và tiêu thụ đồng (không phải trống đồng) ở vùng này, trong khoảng một ngàn năm BCE, thì có ‘tương tác’ với nhau như hình 7.
Hình 7. (Pryce et al8)
Trong hình, ta thấy:
- hình ellipse màu đỏ: những vùng có ‘tương tác tầm ngắn’ (short-range interaction zones) giữa các nơi sản xuất và tiêu thụ đồng, thí dụ vùng châu thổ sông Hồng;
- hình ellipse màu đen: những vùng có ‘tương tác tầm rộng’ (medium-range interaction zones) giữa các nơi sản xuất và tiêu thụ đồng, thí dụ vùng châu thổ sông Hồng – miền tây Vân Nam – miền nam Tứ Xuyên;
- hình ellipse màu trắng: vùng duy nhứt có ‘tương tác tầm xa’ (long-range interaction zone) giữa mọi nơi sản xuất và tiêu thụ đồng, từ nam Đông Á xuống tới Đông Nam Á đất liền (gọi chung là Southeast Asian Massif).
Nói cách khác, ta có những cái ‘hiệp hội sản xuất – tiêu thụ đồng’ mà các thành viên trong mỗi ‘hiệp hội’ lấy đồng đổi các mặt hàng khác, thí dụ Pryce7 bên trên có nêu một ý cho rằng cư dân Khao Wong Prachan Valley (Thái Lan) sản xuất đồng để đổi lấy thực phẩm.
Trường hợp cư dân châu thổ sông Hồng, họ đem trống đồng (thành phẩm) lên Yunnan đổi lấy đồng (vật liệu) thì cũng được chớ có sao đâu: cả hai đều ở trong một ‘vùng tương tác tầm rộng’.
Nếu vậy, chuyện tìm thấy 11 trống Đông Sơn, 5 trống Shizhaishan và 2 trống Wanjiaba chôn chung trong 5 ngôi mộ ở Lào Cai,[9] chẳng hạn, thì có chi khó hiểu: đó là những sản phẩm trao đổi trong vùng mà thôi.
9.5. Kết luận
- Cư dân bổn địa không làm ra trống đồng Đông Sơn từ A tới Z.
- Một/vài nhóm di dân trên miệt Yunnan đã đem theo trống mẫu và ‘bí kíp’ đúc trống đồng sang miền bắc Việt Nam ở chung với cư dân bổn địa, giúp cư dân đúc trống đồng Đông Sơn tại chỗ.
- Dù vậy, cư dân bổn địa có lẽ chính là những người đã cải tiến vật liệu đúc trống, từ đồng-thiếc thành đồng-thiếc-chì, nhờ vậy đúc ra những cái trống đẹp mắt được khắp vùng ưa chuộng.
- Đó là một vùng gồm châu thổ sông Hồng, miền tây Vân Nam và miền nam Tứ Xuyên, trong đó các nơi sản xuất và tiêu thụ đồng thì hỗ tương với nhau.
Xin nhắc lại, chủ đề phần này không phải là tìm hiểu trống đồng Đông Sơn, mà là tìm hiểu những nhóm di dân từ Đông Á đã qua ở chung với cư dân Đông Sơn.
Mấy điều mà tôi đã tìm hiểu như trên, thì khác với những điều mà tôi đọc được của giới khảo cứu trong nước. Dù vậy, nêu lên những điều bên trên, tôi không có ý ‘tranh luận’ với vị nào hết.
Ở phần tới, ta sẽ tìm hiểu hoa văn trống đồng Đông Sơn.
9.6. Phụ lục
‘Seima-Turbino phenomenon’ là tên gọi chung những hiện vật làm bằng đồng-pha-thiếc chôn theo người chết ở hai nghĩa địa Seima và Turbino trên miệt Bắc Á, có ‘date’ 2150–1600 BCE chưa kể sai số.[10] Higham et al[11] phân tách dữ liệu ở nhiều địa điểm và cho rằng nghề luyện đồng lan từ Bắc Á sang bắc Đông Á rồi từ đây mới lan xuống nam Đông Á và Đông Nam Á (hình 8).
Hình 8. (Higham et al11)
Hình 9 là tranh vẽ cảnh luyện quặng đồng ở Khao Wong Prachan Valley.
Hình 9. (Pryce7)
[1] Lâm thị Mỹ Dung (2023) Thành tựu của nghề luyện kim đồng trong văn hóa Đồng Đậu (Dẫn liệu từ Thành Dền và Vườn Chuối), https://baotanglichsu.vn/DataFiles/2023/01/
[2] Vũ Quốc Hiền, Vài nét về nghề luyện kim đúc đồng thời Đông Sơn, Cổ vật tinh hoa, số 8, tháng 7/2004, https://baotang.thanhhoa.gov.vn/portal/Pages/2015-12-16/Vai-net-ve-nghe-luyen-kim-duc-dong-thoi-Dong-Son8u8q8q.aspx
[3] Trương Đắc Chiến (2020) Về những mảnh khuôn đúc trống đồng phát hiện tại thành cổ Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh), Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Thông báo khoa học.
[4] Hollman, Dieter & Spennemann, Dirk. (1985). A note on the metallurgy of Southeast Asian kettle-drums: proportions of lead and tin and implications for chronology. Bulletin of the Indo-Pacific Prehistory Association. 6. 10.7152/bippa.v6i0.11240.
[5] Nguyễn Văn Hảo (2018) Trống Vạn Gia Bá – nhìn từ phát hiện ở Việt Nam. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Thông báo khoa học.
[6] Alice Yao, Valentín Darré, Jiang Zhilong, Wengcheong Lam, Yang Wei, Bridging the time gap in the Bronze Age of Southeast Asia and Southwest China, Archaeological Research in Asia 22 (2020) 100189.
[7] T. O. Pryce (2008) Prehistoric copper production and technological reproduction in the Khao Wong Prachan Valley of central Thailand (Ph.D. thesis).
[8] T. O. Pryce, Wengcheong Lam, Mélissa Cadet, Zhilong Jiang, Wei Yang & Alice Yao (2022) A late 2nd/early 1st millennium BC interaction arc between Mainland Southeast Asia and Southwest China: Archaeometallurgical data from Hebosuo and Shangxihe, Yunnan.
[9] Nguyễn Văn Hảo (2019) Phân loại trong nghiên cứu trống đồng – một nhạc cụ cổ của dân tộc, Văn hóa truyền thống và phát triển, bộ 8, số 2.
[10] E.N. Chernykh, O.N. Korochkova, and L.B. Orlovskaya, Issues in the calendar chronology of the Seima-Turbino transcultural phenomenon, Archaeology, Ethnology & Anthropology of Eurasia 45/2 (2017) 45–55.
[11] Charles Higham, Thomas Higham & Amphan Kijngam, Cutting a Gordian knot: the Bronze Age of Southeast Asia: origins, timing and impact, Antiquity 85 (2011): 583–598.
Nguồn bài viết: https://nghiencuulichsu.com/2023/06/13/nguon-goc-nguoi-viet-bai-9/