Lịch sử Việt Nam

Nguồn gốc người Việt – Phần 7

7.   O-M95, cái lõi của đàn ông người Việt

Hình 1 cho thấy [đàn ông] người Mán Bạc với người Việt thời nay có chung 4 yhg O-M95, O-JST002611, O-M7 và O-M134 (‘yhg’ đã giải thích ở phần 3).

Hình 1. (chữ đỏ là ‘marker’)

Hình 2 cho thấy O-M95 là yhg đông nhứt trong đàn ông người Việt thời nay.

Hình 2. vẽ theo (từ trái qua phải) Karafet et al,[1] He et al,[2] và Trejaut et al.[3]

Bởi vậy, ở phần này, ta tìm hiểu yhg O-M95.

7.1.  Giới thiệu

O-M95 ngày nay có mặt khắp vùng nam Đông Á – Đông Nam Á – Ấn Độ, đông nhứt trong những nhóm nói tiếng Austroasiatic và Tai-Kadai (bảng 1).[4]

Bảng 1

nhóm người% O-M95
bắc Đông Á (phía trên sông Dương Tử)·         Altai·         Hán·         Hàn / Nhựt / Hồi / Tạng1.60.7–
nam Đông Á (phía dưới sông Dương Tử)·         Austroasiatic·         Tai-Kadai·         Hmong-Mien·         Tibeto-Burman·         Hán50.840.416.16.76.1
Austronesian16.9
Melanesian

Xét theo ‘genome’ thì những nhóm nói tiếng Tai-Kadai và những nhóm nói tiếng Austroasiatic ở miền nam Đông Á cũng giống nhau (hình 3).

Hình 3. (Sun et al[5])

Dữ liệu trên gợi ý rằng cả Austroasiatic và Tai-Kadai đều là tiếng nói của nhóm O-M95 (không phải mượn của nhóm nào khác).

7.1.1.    Austroasiatic

Ngữ hệ Austroasiatic nảy ra trước 7000 BP (hình 4).

Hình 4. vẽ theo Sidwell.[6]

Austroasiatic nảy ra nơi đâu, thì có nhiều giả thiết,[7] ta coi thêm hai ý mới:

  • Wichmann et al[8] dùng computer tính ra gốc của Austroasiatic là Lopburi ở Thái Lan.
  • Blench dùng dữ liệu khác cho rằng gốc của Austroasiatic là Lào (hình 5).

Hình 5. (Blench[9])

Ở phần này, ta lấy cái gốc của Austroasiatic theo Blench.9

7.1.2.    Tai-Kadai

Ngữ hệ Tai-Kadai nảy ra nơi đâu, thì cũng có nhiều giả thiết, ta coi thêm ba ý mới:

  • Luo et al,[10] dựa theo giọng đọc 21 ‘từ’ của những nhóm nói tiếng Tai trồng lúa nước từ miền nam xứ Tàu xuống Lào, cho rằng gốc của 21 ‘từ’ đó là một nơi giữa Quý Châu và Quảng Tây.
  • Wichmann et al8 dùng computer tính ra gốc của Tai-Kadai là Quảng Tây.
  • Chamberlain[11] dùng dữ liệu khác cho rằng gốc của Tai-Kadai là nước Sở (704–223 BCE) ở Hồ Nam, quê của Dưỡng Do Cơ bắn cung trăm phát trăm trúng như có xài thước ngắm Nikon.

Hình 6. gốc của Tai-Kadai (hình nền: TUBS, CC BY-SA 3.0, via Wikimedia Commons).

Ở phần này, ta lấy cái gốc của Tai-Kadai theo Luo et al.10

7.1.3.    Austric

Wilhelm Schmidt (1868–1954) đã đặt ra ngữ hệ Austric[12] được ‘updated’ như hình 7.

Hình 7. (Bengtson[13])

Bảng 2 là mấy thí dụ.[14]

Bảng 2

tiếng Việtmắtchưnbụng
proto-Austric*mata*ʔʒVŋ*Puŋ
proto-Austroasiatic*mat*ʒʔǝ:ŋ / *ʒʔɨ:ŋ*buŋ / *bo:ŋ
proto-Austronesian*mata*kǝmpuŋ
proto-ThaiCtaʒǝ:ŋbuŋ.A
Hmong-Mien*m[ej]B ?chiŋ.3

7.2.  Khảo cứu

7.2.1.    Gốc của O-M95

Ta có thể dùng dữ liệu ‘Y-STR haplotype’[15] của một nhóm người ở cùng yhg mà ngày nay còn sống để ước tính coi ‘ông tổ chung gần nhứt’ (most recent common ancestor, MRCA) của nhóm đó thì cách nay một khoảng thời gian là bao xa (time to most recent common ancestor, TMRCA).

Hình 8 là kết quả khảo sát của Arunkumar et al,[16] dùng dữ liệu 8 Y-STR của vài ngàn người đàn ông, cho biết TMRCA (max) của những nhóm O-M95 ở những nơi khác nhau trong vùng nam Đông Á – Đông Nam Á – Ấn Độ ngày nay.

Hình 8. (ISEA: vùng đảo Đông Nam Á)

Dựa theo dữ liệu ở mục 7.1 và hình 8, ta suy ra chuỗi biến cố như sau:

  1. Trước 15000 BP, một nhóm O-M95 nói tiếng proto-Austric đã có mặt ở một nơi miền nam Đông Á, có lẽ là Vân Nam.
  2. Từ đây họ lan ra khắp vùng nam Đông Á (bên dưới sông Dương Tử) và về sau tạo nên những đám thổ dân O-M95 nói tiếng Tai-Kadai trong vùng.
  3. Một đám O-M95 từ cái gốc Vân Nam đã có mặt ở Lào khoảng 8000 BP, nói tiếng proto-Austroasiatic.
  4. Từ đây họ lan ra khắp vùng Đông Nam Á – Ấn Độ và về sau tạo nên những đám thổ dân O-M95 nói tiếng Austroasiatic trong vùng.

Hình 9. diễn biến tạo nên những nhóm O-M95 ngày nay
(hình nền: https://aseanup.com/free-maps-asean-southeast-asia/)

(Ở đôi nơi, thí dụ Indonesia ngày nay, thổ dân O-M95 nói tiếng Austroasiatic đã đổi sang nói tiếng Austronesian của di dân đồ đá tới đó hồi 4000 BP.)

7.2.2.    Nếp sống của O-M95

Nhóm O-M95 ở Lào, khoảng 8000 BP, thì, tất nhiên, theo nếp sống săn-hái (cũng như thổ dân Hòa Bình), họ chưa biết gạo là gì. Điều này nghe lạ, vì một số thứ tiếng Austroasiatic có những ‘từ’ giống như gạo trong tiếng Việt ngày nay, mà những ‘từ’ đó có thể ‘tái lập’ là *kɔw trong tiếng proto-Austroasiatic14 – nghĩa là nhóm O-M95 đã biết gạo khi còn nói tiếng proto-Austroasiatic. Song le, thực ra, theo Diffloth, nhà ngôn-ngữ-học người Pháp, *kɔw có nghĩa là hột [đã bóc vỏ] của một thứ cây Graminea mà có thể là cây lúa [chớ không chắc chắn là cây lúa].[17]

Đàng khác, hết thảy những thứ tiếng Austroasiatic đều có những ‘từ’ với nghĩa là sọ (một thứ khoai còn gọi là môn) trong tiếng Việt ngày nay, mà những ‘từ’ đó có thể ‘tái lập’ là *raw hoặc *ro trong proto-Austroasiatic.14

Vậy những nhóm O-M95 ở Đông Nam Á, cho tới trước 4000 BP, khi chưa tiếp xúc với di dân đá mới từ nam Đông Á sang, thì chưa biết trồng lúa, nhưng đã biết trồng khoai củ (vegeculture) và có thể cũng biết lấy hột của một thứ lúa hoang [rồi bằng cách nào đó làm cho tróc vỏ ra] để [nấu] ăn.

Trái lại, những nhóm O-M95 nói tiếng Tai-Kadai ở nam Đông Á, thí dụ Daxi (nêu ở phần 4), thì có lẽ đã biết trồng lúa trước 4000 BP.

7.3.  Thảo luận

7.3.1.    O-M95 ở Mán Bạc

Theo hình 8, 9, ta cho rằng mẫu O-M95 ở Mán Bạc là một người [đàn ông] của nhóm O-M95 từ Lào qua tới đó trước 4000 BP, chớ không phải di dân từ Daxi.

Và theo hình 4, ta cho rằng đám O-M95 ở Mán Bạc nói một thứ tiếng Austroasiatic mà từ đó nảy ra những thứ tiếng Katuic và Vietic ngày nay đang nói ở Việt Nam và Lào.

Vậy ở Mán Bạc có 3 lớp người:

  • thổ dân Hòa Bình: yhg C, săn-hái-vớt [cá];
  • thổ dân Đông Nam Á – Ấn Độ: yhg O-M95, săn-hái-vớt, trồng khoai củ;
  • di dân nam Đông Á: nuôi [heo] – trồng [lúa].

7.3.2.    Austroasiatic ở nam Đông Á?

Ở trên ta đã rút được một ý chánh là tiếng Austroasiatic không nảy ra ở nam Đông Á. Theo ý này, không thể nào xảy ra những chuyện thí dụ như sau:

  • vua Câu Tiễn của xứ Yueh ở Đông Á, trước công nguyên, nói tiếng Austroasiatic.[18]
  • Việt nhơn ca bên Tàu, trước công nguyên, là bài thơ bằng tiếng Việt, một thứ tiếng Austroasiatic mà độc giả và tôi đang nói.[19]

Cách nay gần 50 năm, Norman (1936–2012) nhà ngôn-ngữ-học người Mỹ, nêu giả thiết rằng những nhóm nói tiếng proto-Austroasiatic đã có mặt ở nam Đông Á trước 3000 BP, với bằng chứng là 15 ‘từ’ trong tiếng Tàu được cho là mượn của proto-Austroasiatic.[20] Thí dụ 江 (sông trong tiếng Việt), đọc *krōŋ thời trào Châu, được cho là mượn của *ruaŋ / *rɔ:ŋ trong tiếng proto-Austroasiatic.

Song le, nếu coi tiếng Tàu ở ngữ hệ Sino-Tibetan thì proto-Sino-Tibetan có *kruaŋ và nếu coi tiếng Tàu ở ngữ hệ Sino-Caucasian thì proto-Sino-Caucasian có *ḳălhV́, hai ‘từ’ đó đều có nghĩa là sông và là gốc của *krōŋ (cách đọc 江 thời Châu).14

7.3.3.    Kinh Thượng một nhà

O-M95 rất đông trong [đàn ông] những nhóm thiểu số nói những thứ tiếng Austroasiatic ở Việt Nam và Lào, thí dụ Aheu, Alak, Kataang, Katu, Talieng,…[21] Chưa có bao nhiêu công trình khảo cứu những nhóm đó, nên ta không rõ họ có nảy ra từ nhóm Mán Bạc hay chăng. Dù sao thì những nhóm đó với người Việt cũng là anh em, đều nảy ra từ cái gốc bên Lào.

7.4.  Kết luận

Ta đã dò ra hai cái gốc của những nhóm O-M95 ngày nay trong vùng nam Đông Á – Đông Nam Á – Ấn Độ:

  1. Vân Nam: trước 15000 BP, từ đây nảy ra những nhóm thổ dân O-M95 nói tiếng Tai-Kadai ở miền nam Đông Á;
  2. Lào: khoảng 8000 BP, từ đây nảy ra những nhóm thổ dân O-M95 nói tiếng Austroasiatic ở vùng Đông Nam Á – Ấn Độ.

Một đám O-M95 nói tiếng proto-Austroasiatic đã sang Mán Bạc trước 4000 BP, ở chung với thổ dân Hòa Bình, rồi mới tiếp xúc với di dân đá mới từ nam Đông Á sang.

Vậy nếu bạn đã ‘test’ Y-DNA và biết mình ở yhg O-M95 (kể cả O-M88 là một nhánh bên trong O-M95) thì có hai trường hợp:

  1. bạn là dòng dõi của đám O-M95 nói tiếng Austroasiatic ở Mán Bạc, với cái gốc gần nhứt khoảng 8000 BP là Lào, xa hơn khoảng 15000 BP là Vân Nam, xa hơn nữa khoảng 40000 BP là một cái ‘population hub’ ở Tây Á và xa nhứt thì khỏi nói bạn cũng biết rồi.
  2. bạn là dòng dõi của một đám O-M95 nói tiếng Tai-Kadai bên Tàu, di cư sang Việt Nam trong một hai ngàn năm gần đây.

Xác suất cho trường hợp 1 thì cao hơn trường hợp 2, vì phần đông những đám O-M95 nói tiếng Tai-Kadai bên Tàu thì đã di cư sang Thái hoặc Lào sau năm 1000.


Chú thích:

[1] Tatiana M. Karafet, Brian Hallmark, Murray P. Cox, Herawati Sudoyo, Sean Downey, J. Stephen Lansing, and Michael F. Hammer (2010) Major East–West division underlies Y chromosome stratification across Indonesia, Mol. Biol. Evol. 27(8):1833–1844.

[2] He J-D, Peng M-S, Quang HH, Dang KP, Trieu AV, et al. (2012) Patrilineal Perspective on the Austronesian Diffusion in Mainland Southeast Asia. PloS ONE 7(5): e36437. doi:10.1371/journal.pone.0036437

[3] Trejaut, J.A., Poloni, E.S., Yen, J.C. et al. Taiwan Y-chromosomal DNA variation and its relationship with Island Southeast Asia. BMC Genet 15, 77 (2014). https://doi.org/10.1186/1471-2156-15-77

[4] Hong Shi, Yong-li Dong, Bo Wen, Chun-Jie Xiao, Peter A. Underhill, Pei-dong Shen, Ranajit Chakraborty, Li Jin, and Bing Su, Y-chromosome evidence of southern origin of the East Asian-specific haplogroup O3-M122, Am. J. Hum. Genet. 77:408–419, 2005.

[5] Sun H, Zhou C, Huang X, Lin K, Shi L, et al. (2013) Autosomal STRs provide genetic vvidence for the hypothesis that Tai people originate from Southern China. PLoS ONE 8(4): e60822.

[6] Paul Sidwell (2015) A comprehensive phylogenetic analysis of the Austroasiatic languages. Diversity Linguistics: Retrospect and Prospect.

[7] Đ. N. Giao (2013) Austroasiatic, http://chimviet.free.fr/dantochoc/dongocgiao/DoGiaon051_AustroAsiatic.htm

[8] Søren Wichmann, André Müller and Viveka Velupillai, Homelands of the world’s language families: A quantitative approach, Diachronica 27:2 (2010), 247–276.

[9] Roger Blench (2014) Reconstructing Austroasiatic prehistory.

[10] Wei Luo, John Hartmann, Jinfang Li and Vinya Sysamouth, GIS mappingand analysis of Tai languisticand settlement patterns in southern China, Geographic Information Sciences Vol 6, No 2, Dec 2000.

[11] James R. Chamberlain, Kra-Dai and the proto-history of South China and Vietnam, Journal of the Siam Society, Vol. 104, 2016.

[12] George van Driem, Four Austric theories, Mother Tongue issue V, December 1999.

[13] John Bengtson, Ainu and Austric: Evidence of genetic relationship, Journal of Language Relationship, 2 (2009).

[14] https://starlingdb.org/

[15] Ý này sẽ giải thích ở một phần khác.

[16] Ganeshprasad Arunkumar et al, A late Neolithic expansion of Y chromosomal haplogroup O2a1-M95 from east to west: Late Neolithic expansion of O2a1-M95, Journal of Systematics and Evolution · February 2015.

[17] Gérard Diffloth, Austroasiatic word histories: boat, husked rice and taro, in Dynamics of human diversity: the case of mainland Southeast Asia, ed N. J. Enfield (2011).

[18] https://nghiencuulichsu.com/2021/06/11/viet-vuong-cau-tien-vi-vua-noi-tieng-austroasiatic/

[19] https://ngnnghc.wordpress.com/2010/02/25/vie%CC%A3t-nhan-ca/

[20] Jerry Norman and Tsu-Lin Mei, The Austroasiatics in ancient South China: some lexical evidence, Monumenta Serica (1976) 32:274-301.

[21] Cai X, Qin Z, Wen B, Xu S, Wang Y, et al. (2011) Human migration through bottlenecks from Southeast Asia into East Asia during last glacial maximum revealed by Y chromosomes. PLoS ONE 6(8): e24282.

Nguồn bài viết: https://nghiencuulichsu.com/2023/04/17/nguon-goc-nguoi-viet-bai-7/

admin

About Author

You may also like

Lịch sử Việt Nam

Nguồn gốc người Việt – Phần 1

  • Tháng mười hai 1, 2023
1.   Giới thiệu 1.1.  Đại phong là gì? Với loạt bài này, tôi muốn trình bày một số kết quả
Lịch sử Việt Nam

Nguồn gốc người Việt – Phần 2

  • Tháng mười hai 1, 2023
2.   Hòa Bình 2.1.  Giới thiệu Hòa Bình là một ‘truyền thống làm đồ đá’ (lithic technological tradition),[1] gọi theo tên của