Nguồn gốc người Việt – Phần 6
6. Chuyện bên ngoài châu Phi
Ở phần 5, ta được biết nhóm Mán Bạc là lớp tổ thứ hai của người Việt thời nay, với cái lõi là thổ dân Đông Nam Á – nam Đông Á. Những người thổ dân này là ai, ta sẽ tìm hiểu ở phần sau; ở phần này tôi muốn giới thiệu với độc giả một ‘version’ mới nhứt của giả thiết Out of Africa (viết tắt ‘OOA’), cho biết từ đâu nảy ra những lớp cư dân đầu tiên ở lục địa Eurasia (Âu-Á) thời Paleolithic (đá cũ), trong đó có một lớp cư dân để lại di tích ở hang Tianyuan (Điền Viên 田園) bên Đông Á. Và, nhơn tiện, ta cũng coi cư dân Tianyuan có liên quan tới người Việt thời nay hay chăng.
6.1. Giả thiết OOA
6.1.1. Giới thiệu
Phần 1 có nói qua giả thiết OOA; ở đây, cho tôi thêm rằng Cavalli-Sforza (1922–2018), nhà ‘di truyền học’ (geneticist) nổi tiếng người Ý ở Mỹ, cách nay gần 30 năm, dựa theo dữ liệu ‘gene’ của con người, đã nêu giả thiết rằng ‘người thời nay’ (anatomically modern human, viết tắt ‘AMH’) từ 100 ngàn năm trước (viết tắt ‘100 kya’) đã rời châu Phi đi ra ở khắp nơi trên thế giới theo lộ trình và thời gian đại khái như hình 1.
Những version sau đó của giả thiết OOA có ‘cải tiến’ đôi chút nhưng đều lặp lại một câu chuyện mơ hồ, rằng sau khi AMH ra bên ngoài châu Phi thì họ không dừng lại nghỉ chưn ở đâu hết mà vẫn hăng hái lên đường ‘ra đi khắp nơi xa vời’ thây kệ ‘gió bốn phương, kìa gió bốn phương ào ào cuốn lá rơi’.[2] Câu chuyện ắt chẳng phải sơ sài như vậy: nếu có một nhóm thôi thì làm sao AMH đi khắp nơi xa vời được. Dù sao, ta cũng chưa rõ chuyện gì đã xảy ra cho AMH sau khi họ ra ngoài châu Phi.
Những năm gần đây, nhờ có dữ liệu ‘genome’ của nhiều đám người AMH và Neanderthal, các nhà khoa học cho rằng chuyện đầu tiên xảy ra sau khi AMH ra ngoài châu Phi đó là AMH ở chung và pha trộn với người Neanderthal (như đã nêu ở phần 1 và phần 3).
Nhích thêm một bước, Ferreira et al[3] (2021) cho rằng có hai nhóm AMH từ bên trong châu Phi đi ra ngoài theo hai hướng. Sau khi ra ngoài châu Phi thì hai nhóm AMH dừng lại hai nơi trên bán đảo Arabia với hai diễn biến như sau.
- nơi phía bắc: AMH pha với người Neanderthal;
- nơi phía tây: AMH không pha với Neanderthal (nếu có thì cũng không đáng kể) và trở thành nhóm ‘Âu-Á rặc dòng’ (basal Eurasian), một lớp tổ của người châu Âu ngày nay.
Về sau, từ nhóm lai ở phía bắc, tách ra hai đám đi tiếp để trở thành người Eurasian và người Đông Á ngày nay (hình 2).
6.1.2. Version mới nhứt
Vallini et al[4] (2022), một nhóm khoa học gia người Ý, cho biết những gì đã xảy ra cho AMH sau khi họ ra ngoài châu Phi như sau.
Khoảng 70–60 kya, AMH rời châu Phi qua Eurasia, tới một nơi có lẽ là bán đảo Arabia và xứ Iran ngày nay, thì pha với người Neanderthal, rồi ở lại đó thành một nhóm duy nhứt trong ít nhứt 15 ngàn năm. Mười lăm ngàn năm thì đủ lâu để cho nhóm này đông thêm và trở thành một cái population hub trong đó những đám người khác nhau dần dần nảy ra rồi tách khỏi hub theo từng đợt để lan khắp Eurasia và xa hơn nữa.
Có ba đợt di cư từ population hub.
Đợt đầu tiên xảy ra trước 45 kya, thì thất bại. Chứng cớ duy nhứt là di tích của một người đàn bà ở đồi Zlaty Kun (Czechia) mà genome không giống với bất kỳ mẫu AMH nào sau 40 kya – nghĩa là đợt này không còn ai sống sót. Đợt này đem theo văn hóa đồ đá xưa >45 kya, nhưng họ lan tới những nơi nào thì ta chưa rõ. (Hình 3)
Đợt thứ hai xảy ra lối 45 kya, lan khắp một vùng rộng từ châu Âu qua Đông Á tới Oceania, đem theo văn hóa đồ đá Initial Upper Paleolithic (viết tắt ‘IUP’) xưa >40 kya. Di dân đợt này có số phận khác nhau ở Đông Á và châu Âu. Ở nơi trước (Tianyuan) họ sống sót và góp phần tạo ra những nhóm người Đông Á đông đúc thời nay, nhưng ở châu Âu thì họ suy tàn và phần lớn biến mất, để lại chứng cớ là đôi ba mẩu di tích ở Oase (Romania), Bacho Kiro (Bulgaria) và Ust Ishim (Nga). Có điều lạ, là cùng lúc đó thì những người Neanderthal sau chót cũng mất luôn. (Hình 4)
Đợt thứ ba xảy ra trước 38 kya, lan khắp châu Âu, nhưng tới những nơi nào thì ta chưa rõ, gồm 5 đám: Kostenki14 (Nga), Sunghir (Nga), Goyet Q116-1 (Bỉ), Yana1 (Nga) và Mal’ta (Nga). Hai đám trước không pha với di dân đợt thứ hai, ba đám sau có pha với di dân đợt thứ hai; riêng hai đám ở Siberia pha với di dân đợt thứ hai đã tạo nên lớp tổ của thổ dân miền bắc Eurasia và về sau cũng góp phần tạo nên lớp tổ của thổ dân châu Mỹ. (Hình 5)
Đợt thứ ba gắn với một thành phần văn hóa (cultural assembly) kêu bằng ‘Upper Paleolithic’ (viết tắt ‘UP’) xưa >38 kya, đặc trưng của những di chỉ paleolithic ở châu Âu.
Hình 6 tóm lại ba đợt di cư từ population hub ra Eurasia và một đợt sau đó từ Siberia qua châu Mỹ.
Hình 11 ở Phụ lục mô tả diễn biến bên trong và bên ngoài hub để tạo ra những đám người nêu trên.
Vallini et al4 kết luận rằng ta cần tìm hiểu mấy điều chưa rõ: (1) địa điểm của population hub, (2) những lý do [bên trong và bên ngoài] gây ra các đợt di cư, và (3) những thay đổi văn hóa (cultural dynamics) có liên quan.
Nhơn tiện nói thêm, người duy nhứt trong đợt di cư đầu tiên để lại di tích ở đồi Zlaty Kun (‘con ngựa bằng vàng’ trong tiếng Czech) là mẫu Homo sapiens xưa nhứt mà các nhà khoa học thời nay biết được genome. Bà ta mang genome xưa nhứt của người ra ngoài châu Phi, với nét mặt có thể giống như hình 7, vẽ lại theo cái sọ bể đã được một nhóm học giả người Czech dặm vá.[6]
6.2. Thảo luận
6.2.1. Có mấy đợt di cư từ hub qua châu Á?
Phần 2 cho biết một mẫu người Hòa Bình ở Vân Nam có ‘date’ 43.5 kya còn xưa hơn mẫu người đá cũ ở Tianyuan có date chừng 40 kya.[8] Vậy người Hòa Bình ắt cũng ở trong population hub mà ra, mặc dù Vallini et al4 chưa khảo sát nhóm này.
Ta có dữ liệu Y-DNA haplogroup (viết tắt ‘yhg’) của những mẫu người nêu trên như sau.[9]
- Bacho_Kiro: C1*-F3393, C1b1a*-B66, F-M89, K2a1/NO1*-M214
- UstIshim: K2a1/NO1*-M214
- Tianyuan: K2b-M1221
- Kostenki14: C1b1a*-B66
- Sunghir: C1a2-V3177
- GoyetQ116-1: C1a2-V3177
- Yana: K2b2a-M45
- Mal’ta: R*-M207
- Hòa Bình: C1-F3393, D1-M174
Đặt hai mẫu Hòa Bình vô population hub, ta có hình 8.
Hình 8 cho thấy có ba đám người di cư từ population hub ra châu Á: Tianyuan, Hòa Bình, và một đám ở yhg NO [nhưng không phải Bacho Kiro hoặc Ust Ishim]. Không có nhóm NO này di cư ra ngoài thì không có người Á Đông thời nay ở yhg O.
Hình 9 là giả thiết ba đám người di cư từ hub qua châu Á. Cùng đi theo hai nhóm Hòa Bình và NO ắt là những nhóm F, G, H, I, J, K, L, NO đã nảy ra bên trong population hub mà thời nay ở Philippines, lạ thay, vẫn còn có đủ (Trejaut et al[10]).
6.2.2. Người đá cũ Tianyuan
Yang et al[11] cho biết người Tianyuan không ở trong lớp tổ trực tiếp của những nhóm dân thời nay trong cái ‘list’ bên dưới:
- Hán
- Dai (thổ dân nói tiếng Tai-Kadai)
- Miao (thổ dân nói tiếng Hmongic)
- Nhựt
- Ami (thổ dân Taiwan nói tiếng Austronesian)
- Burmese
- Hezhen (thổ dân Siberia và Đông Á nói tiếng Tungusic)
- Oroqen (như trên)
- Lahu (thổ dân nói tiếng Lolo-Burmese)
- Igorot (thổ dân Philippines nói tiếng Austronesian)
- Thái
- Cambodian
- Kusunda (thổ dân Nepal)
- Mayan (thổ dân Trung Mỹ)
- Papuan (thổ dân New Guinea)
- Karitiana (thổ dân Brazil)
- Australian (thổ dân châu Úc)
- Uygur (thổ dân Trung Á nói tiếng Turkic)
- Pháp
Theo những tác giả khác, thì người Tianyuan có genome gần với những nhóm sau:
- Jomon ở Nhựt thời xưa và Myanmar thời nay (Yang et al[12]).
- một nhóm người đá cũ ở vùng sông Amur (Hắc Long Giang) có date chừng 33 kya (Gao and Cui[13]);
- nhóm người đá mới ở đông bắc châu Á (Wang et al[14]).
Tóm lại, theo dữ liệu nêu trên, ta cho rằng người Tianyuan không ở trong lớp tổ trực tiếp của người Việt thời nay.
Hơn nữa, người Tianyuan cũng không phải là ông tổ của đực rựa Á Đông thời nay, mà là người của nhóm NO (hình 8).
6.3. Kết luận
Hình 10 tóm lại diễn biến từ sau khi AMH ra ngoài châu Phi cho tới khi tạo ra cái lõi của người Việt thời nay là yhg O, theo version mới nhứt của giả thiết OOA (Vallini et al4).
Chót hết, tôi xin phép mượn hai dòng của nhà thơ nổi tiếng Bùi Giáng (1926–1998):
Hỏi rằng người ở quê đâu
Thưa rằng tôi ở rất lâu quê nhà
sửa lại chút đỉnh để nói lên đại ý của phần này như sau [cho dễ nhớ]:
Hỏi rằng người ở quê đâu
Thưa rằng TÂY Á từ lâu quê nhà.
6.4. Phụ lục
[1] L. Luca Cavalli-Sforza, Paolo Menozzi, and Alberto Piazza (1994) The history and geography of human genes.
[2] lời bài ca Đoàn lữ nhạc của Đỗ Nhuận (1922–1991).
[3] Joana C. Ferreira, Farida Alshamali, Francesco Montinaro, Bruno Cavadas, Antonio Torroni et al (2021), Projecting ancient ancestry in modern-day Arabians and Iranians: a key role of the past exposed Arabo-Persian gulf on human migrations, Genome Biol. Evol. 13(9)
[4] Leonardo Vallini, Giulia Marciani, Serena Aneli, Eugenio Bortolini, Stefano Benazzi et al (2022) Genetics and material culture support repeated expansions into paleolithic Eurasia from a population hub out of Africa, Genome Biol. Evol. 14(4)
[5] Università di Bologna (2022) A population hub out of Africa explains East Asian lineages in Europe 45,000 years ago, https://phys.org/news/2022-04-population-hub-africa-east-asian.html
[6] Rmoutilová R, Guyomarc’h P, Velemínský P, Šefčáková A, Samsel M, Santos F, et al. (2018) Virtual reconstruction of the Upper Palaeolithic skull from Zlatý Kůň, Czech Republic: Sex assessment and morphological affinity. PLoS ONE 13(8): e0201431. https://doi.org/10.1371/journal.pone.0201431
[7] https://www.deviantart.com/philipedwin/art/Zlaty-Kun-876523570
[8] Hong Shang et al (2007) An early modern human from Tianyuan Cave, Zhoukoudian, China, PNAS vol 104, no 16.
[9] Carlos Quiles (2018-2020) Ancient Y-DNA and mtDNA, https://indo-european.eu/ancient-dna/
[10] Trejaut, J.A., Poloni, E.S., Yen, J.C. et al. Taiwan Y-chromosomal DNA variation and its relationship with Island Southeast Asia. BMC Genet 15, 77 (2014). https://doi.org/10.1186/1471-2156-15-77
[11] Yang MA et al, 40,000-year-old individual from Asia provides insight into early population structure in Eurasia. Curr Biol. 2017 Oct 23;27(20):3202-3208.e9.
[12] Meiqing Yang et al (2022) Genomic insights into the unique demographic history and genetic structure of five Hmong-Mien-speaking Miao and Yao populations in southwest China, Front. Ecol. Evol. 10:849195
[13] Gao S and Cui Y (2023), Ancient genomes reveal the origin and evolutionary history of Chinese populations. Front. Earth Sci. 10:1059196. doi: 10.3389/feart.2022.1059196
[14] Jiawen Wang et al, Genome‑wide allele and haplotype‑sharing patterns suggested one unique Hmong–Mein‑related lineage and biological adaptation history in Southwest China, Human Genomics (2023) 17:3.
Nguồn: https://nghiencuulichsu.com/2023/03/17/nguon-goc-nguoi-viet-bai-6/