Lịch sử Việt Nam

Nguồn gốc người Việt – phần 12

12. Đông Sơn: Vị vua đầu tiên ở châu thổ sông Hồng

Trước khi vô bài, để tôi nhắc lại cho độc giả khỏi quên những lớp người xưa từng có mặt sanh sống ở miền bắc Việt Nam, mà ta đã nhận ra, theo thứ tự thời gian:

  1. thổ dân Hòa Bình, cách nay hơn 4000 năm, gốc gần nhứt là Vân Nam (phần 2),
  2. thổ dân O-M95, nói tiếng Austroasiatic, cách nay hơn 4000 năm, gốc gần nhứt là Lào (phần 7),
  3. di dân đá mới Xitoucun 溪头村, cách nay lối 4000 năm, gốc gần nhứt là Phước Kiến (phần 5),
  4. di dân đồ đồng miền bắc Đông Á, nói tiếng Old Chinese, cách nay lối 2500 năm, gốc gần nhứt là Vân Nam (phần 9, phần 11).

Những lớp người đó đã góp phần tạo nên ‘genome’ của những nhóm người thời đá mới, thí dụ Mán Bạc, và những nhóm người thời đồ đồng, thí dụ Đông Sơn, ở miền bắc Việt Nam; nói như vầy cho dễ nhớ:

Mán Bạc = lớp 1 + lớp 2 + lớp 3

Đông Sơn = Mán Bạc + lớp 4

Higham,[1] nhà khảo-cổ-học người Anh, so sánh những mẫu ‘socketed axe’ (rìu bọng ruột để tra cán) ở 34 địa điểm di tích đồ đồng, từ miền nam Đông Á, thí dụ Haimenkou 海門口 ở Vân Nam và Wucheng 吳城 ở Giang Tây, xuống tới Đông Nam Á, thí dụ Đồng Đậu ở miền bắc Việt Nam; ông cho rằng văn hóa đồ đồng lan xuống Đông Nam Á từ phía Vân Nam và cũng lan xuống miền bắc Việt Nam từ phía Lãnh Nam – tên gọi chung Giang Tây, Quảng Đông, Quảng Tây (hình 1).

Theo đó, ta có thể nghĩ tới một lớp người thứ 5, di dân đồ đồng từ miền Lãnh Nam, cách nay lối 3000 năm, cũng đã tới sanh sống ở miền bắc Việt Nam và góp phần tạo nên ‘genome’ của những nhóm như Đồng Đậu chẳng hạn:

Đồng Đậu = Mán Bạc + lớp 5

Dù vậy, giả thiết trên ta tạm thời bỏ qua, trong khi chờ thêm dữ liệu DNA của hai nhóm Wucheng và Đồng Đậu.

Hình 1. vẽ lại theo Higham (14: Đồng Đậu, 15: Thành Dền).1

Tôi cũng muốn nói thêm hai ý ở phần 11.

  1. Lớp ‘từ’ (word) mượn của Old Chinese

Alves,[2] nhà ngôn-ngữ-học người Mỹ, nhận ra hai lớp ‘từ’ Việt-gốc-Hán thường là có cùng nghĩa, như sau:

  • early Sino-Vietnamese (viết tắt ‘ESV’) nảy ra do tiếp xúc với người nói tiếng Đông Hán (Eastern Middle Chinese) trong khoàng thế kỷ 1–2 CE,
  • late Sino-Vietnamese (viết tắt ‘LSV’) nảy ra do tiếp xúc với người nói tiếng Middle Chinese trong khoàng thế kỷ 5–12 CE.

Riêng tôi cho rằng lớp ESV có không ít ‘từ’ nảy ra do tiếp xúc với nhóm người nói tiếng Old Chinese đã đem nghề đúc trống đồng tới Đông Sơn trong khoảng 500 năm trước công nguyên.

Bảng dưới là một số ‘từ’ ESV như vậy (đã nêu ở thí dụ 4 phần 11) và những ‘từ’ LSV tương ứng.

ESVOld Chinese[3]LSVMiddle Chinese3
lúa*l’uːʔđạodawX
*ɡagia/giàgja
vãi*paːlsbá/bảpaH
đực*dɯːɡđặcdok
phổi*pʰobsphếphjojH
giường*zraŋsàngdzrjang
bu*bɯʔphụbjuwX
chị*ʔsiʔtỷtsiX
gang*klaːŋcangkang
bạc*braːɡbạchbaek
xanh*sʰleːŋthanhtsheng
  1. Cộng đồng do người đàn ông làm chủ

Cộng đồng do người đàn ông làm chủ (patriarchy, tạm gọi ‘phụ quyền chế’) là một điều ‘đáng nói hơn hết’ cho cư dân Đông Sơn, bởi vì:

  • ‘Phụ quyền chế’ tạo ra hết thảy những cái ‘thể chế’ quan trọng cho xã hội loài người từ xưa tới nay: tôn giáo, kinh tế, chánh trị, giáo dục. (As the dominant ideology of humankind, patriarchy has been responsible for generating all the major institutions of society throughout history: religion, economics, politics, and education.[4])
  • ‘Phụ quyền chế’ xếp mọi người vô một cái lớp lang có giá trị từ dưới lên trên, tới mức cao nhứt là một người mà thôi (thường là đàn ông). (Patriarchy socializes and subordinates everyone into a hierarchy of valuing concluding with the one supreme individual (most frequently male) at its apex.4)

Nhờ cách tổ chức theo ‘phụ quyền chế’ mà cộng đồng cư dân Đông Sơn mới có ‘vua’ (tạm gọi như vậy), tức là người có giá trị ở mức cao nhứt trong cộng đồng.

Đó là điều đáng nói hơn hết, mà di dân đồ đồng đã giúp cho cư dân Đông Sơn.

12.1. Giới thiệu

Phần 5 đã nêu rằng ở những nhóm người đá mới ven sông/biển, thí dụ Mán Bạc, thì đàn bà là người chủ dòng họ và vợ ở đâu chồng ở đó, nhưng nói vậy không có nghĩa là một người đàn bà nào đó đã từng làm ‘vua’ ở Mán Bạc, như là người có giá trị ở mức cao nhứt trong cộng đồng. Muốn có vua, không cần biết là đàn ông hay đàn bà, thì cộng đồng phải tổ chức theo ‘phụ quyền chế’, mà người thời đá mới Mán Bạc ắt chưa được biết.

Từ đó suy ra:

Châu thổ sông Hồng lần đầu tiên có ‘vua’ hồi thời đồ đồng Đông Sơn trong khoảng 500 năm trước công nguyên, chớ chẳng sớm hơn.

Ở phần này, ta tìm hiểu vì vua đó.

12.2.    Khảo cứu

12.2.1.  Niên đại

Kim,[5] nhà khảo-cổ-học người Hàn-Việt, chia quá trình xây thành Cổ Loa ra 2 chặng, dựa theo ‘date’ của những di vật ở thành giữa và hào.

thời giancông việctổ chức
300–100 BCExây đắp*kiểu ‘nhà nước’ (state level)
sau 100 BCEnới rộng, trùng tukiểu ‘nhà nước’

* việc xây đắp diễn ra trong khoảng 300–100 BCE chớ không phải kéo dài suốt thời gian đó.

Như vậy, cộng đồng Đông Sơn ắt đã có vì vua đầu tiên lối 300 BCE hoặc sớm hơn một chút, để tổ chức xây đắp thành Cổ Loa.

12.2.2.  Ngói lợp thành Cổ Loa

Kim et al[6] chỉ ra rằng thành Cổ Loa có dùng một thứ ngói mà thời đó bổn xứ không nơi nào khác dùng, ngói này đúc tại chỗ nhưng nhìn bề ngoài thì giống như loại ngói hình ‘bán nguyệt’ mà ở bên Tàu thời Chiến Quốc (476–221 BCE) người ta cho là một thứ vật liệu hạng ‘sang’ để dùng lợp cung/điện cho giới cai trị.

Vậy cư dân châu thổ sông Hồng cũng đã biết những ý tưởng của người thời Chiến Quốc bên Tàu để dùng vô việc xây thành Cổ Loa: 1- quyền cai trị (political authority), 2- cách dùng ngói làm vật liệu biểu trưng cho cái quyền đó.6

Làm sao người vùng sông Hồng biết được ý tưởng của người thời Chiến Quốc bên Tàu? Cách đơn giản hơn hết để trả lời câu hỏi đó, theo nguyên tắc ‘Occam’s razor’, là: một nhóm di dân thời Chiến Quốc bên Tàu đã đem những ý tưởng đó xuống châu thổ sông Hồng.

Nếu vậy, nhóm di dân đó ắt đã tới châu thổ sông Hồng lối 300 BCE hoặc sớm hơn một chút, trước khi thành Cổ Loa bắt đầu xây đắp.

12.2.3.  Gươm đồng và tên đồng

Larew,[7] nhà sử học người Mỹ, chỉ ra rằng cây gươm do Pajot (1873–1929), một người Pháp, tìm thấy ở Đông Sơn hồi những năm 1920, thì giống hệt cây gươm do Freer (1854–1919), một người Mỹ, sưu tầm ở An Huy, được cho là của nước Sở thời Chiến Quốc (hình 2).

Hình 2. Larew.7

Larew7 cũng cho rằng những mũi tên đồng tìm thấy ở Cầu Vực, vòng ngoài thành Cổ Loa, năm 1959, dù đúc tại chỗ nhưng so với mũi tên thời Chiến Quốc thì cùng một loại (hình 3).

Hình 3. Larew.7

Vì sao gươm và tên làm ra ở châu thổ sông Hồng thì giống như gươm và tên làm ra ở bên Tàu thời Chiến Quốc? Một lần nữa, cách đơn giản hơn hết để trả lời câu hỏi đó là: một nhóm di dân thời Chiến Quốc bên Tàu đã đem kiến thức chế tạo khí giới xuống châu thổ sông Hồng, riêng cây gươm thì có thể là của họ đem qua không chừng.

Nếu vậy, nhóm di dân đó ắt đã tới châu thổ sông Hồng lối 300 BCE hoặc sau đó một chút, khi thành Cổ Loa đang xây đắp.

Tóm lại, Larew7 cho rằng kỹ thuật xây dựng (construction technique) và công nghệ quân sự (military technology) dùng để xây và giữ thành Cổ Loa là do một nhóm người bên Tàu thời Chiến Quốc đem qua.

12.2.4.  Hòm cây ở Việt Khê

Năm 1961 ở Việt Khê (Hải Phòng) người ta tình cờ tìm thấy 5 cái hòm làm bằng thân cây đục rỗng, chôn dưới đất, mà tôi tạm gọi là ‘hòm cây’ (‘treetrunk coffin’ trong tiếng Anh). Cái hòm lớn nhứt, ký hiệu ‘VK2’, chứa hàng trăm món đồ đồng mà hơn một nửa là khí giới, chưa kể một cái trống Đông Sơn [nhưng di cốt của người chôn trong hòm thì đã mục nát].

VK2 có date là thế kỷ 3 BCE, lấy theo date của những món đồ tùy táng, thí dụ trống và thạp.7 D. Đ. Hoa và P. V. Kỉnh[8] đã mô tả chi tiết VK2, cho biết một số món đồ thì giống như những món cùng loại bên Tàu trước công nguyên, trong đó có một cây gươm mà hai ông cho rằng nó giống như loại gươm đồng tìm thấy trong những ngôi mộ ở Trường Sa (Hồ Nam) thời Chiến Quốc.

Hình 4. từ trên xuống dưới: gươm VK2, gươm Phù Sai, gươm Câu Tiễn (Larew7).

Larew7 nhận thấy cây gươm trong VK2 (hình 4) có dạng giống như cây gươm của Câu Tiễn, vua nước Yue 越 (496–465 BCE), nhưng cái lá chắn (guard) thì giống như gươm của Phù Sai, vua nước Wu 吳 (496–472 BCE). Bà cho rằng cây gươm VK2 có lẽ vốn là của một thủ lãnh người Yue, rèn hồi thế kỷ 5 BCE ở nước Yue, mà cũng có thể là do thợ nước Wu rèn sau đó, khi nước Wu bị Câu Tiễn chiếm, bởi vậy gươm mới lai hai kiểu Wu-Yue. Nhơn vật được chôn trong VK2 có lẽ là một thủ lãnh người Yue đã thừa hưởng cây gươm đó, ông ta [cùng nhóm tùy tòng] đã bỏ sang châu thổ sông Hồng sau khi nước Yue bị nước Sở đánh chiếm năm 334 BCE.7

12.2.5.  Tục chôn người trong hòm cây

B .V. Liêm, nhà khảo cứu ‘mộ thuyền’ (hòm cây), viết rằng:

– trích –

Trong văn hóa Đông Sơn tồn tại nhiều loại hình táng thức khác, như chôn người chết trực tiếp trong huyệt đất, đặt trong kẽ đá, trong thạp đồng … nhưng việc chôn người chết trong thân cây khoét rỗng mang hình dáng con thuyền thật sự là đỉnh cao trong nhận thức tâm linh của người Việt cổ…[9]

– hết trích –

Đoạn văn trên dường như nói rằng cái tục ‘chôn người trong hòm cây’ là của dân Đông Sơn tự mình đặt ra.

Dù vậy, nếu người chôn trong VK2 là một thủ lãnh nước Yue, như nêu bên trên, thì có lẽ ông ta đã đem cái tục ‘chôn người trong hòm cây’ từ miền nam Chiết Giang sang châu thổ sông Hồng và áp dụng cho chính mình.7 Sau đó dân bổn xứ cũng làm theo tục này, và ở Hà Tĩnh gần đây người ta đã tìm thấy những cái hòm cây có date hồi thời trào Trần.[10]

12.3. Suy luận: người-chôn-trong-VK2 là ai?

D . Đ. Hoa và P. V. Kỉnh8 dựa theo đồ tùy táng trong VK2 đoán rằng ‘chủ nhơn của ngôi mộ không những là dân bổn địa giàu có mà còn thuộc loại quý tộc.’

Liên quan tới thành Cổ Loa, Larew7 chấp nhận hai nhơn vật có thực [không cần bằng chứng] mà bà gọi tên theo cách của người Việt là Thục Phán (An Dương Vương) và Cao Thông (Cao Lỗ). Bà cho rằng người-chôn-trong-VK2 là một ‘overlord’ (chúa vùng) được An Dương Vương công nhận bằng cách ban cho trống đồng và người đó không muốn giành ngôi của An Dương Vương.

Tôi thì cho rằng, để tìm hiểu ‘identity’ của người-chôn-trong-VK2, trước hết, ta rà lại những cái biến cố (event) rời rạc có thể đã xảy ra xung quanh cái mốc 300 BCE:

  1. Châu thổ sông Hồng có vì vua đầu tiên (12.2.1).
  2. Một nhóm di dân thời Chiến Quốc xuống châu thổ sông Hồng, đem theo vài ý tưởng liên quan tới việc xây thành (12.2.2).
  3. Một nhóm di dân thời Chiến Quốc xuống châu thổ sông Hồng, đem theo kiến thức chế tạo tên đồng và có lẽ cả gươm đồng (12.2.3).
  4. Một thủ lãnh người Yue, thời Chiến Quốc, cùng nhóm tùy tòng, xuống châu thổ sông Hồng ở, tới khi mất thì được chôn trong hòm cây theo tục lệ quê mình (12.2.4, 12.2.5).

Kế đến, dựa theo hàng trăm món đồ tùy táng trong VK2, kể cả trống đồng, mà ở miền bắc Việt Nam chưa thấy mộ của ai có nhiều hơn, ta cho rằng biến cố này cũng có thể đã xảy ra:

  1. Một vì vua được chôn trong VK2.

Chót hết, đem những biến cố đó (1+2+3+4+5) ‘synchronize’ vô cái mốc 300 BCE, ta được một ‘bức tranh toàn cảnh’ như sau:

Người-chôn-trong-VK2 chính là vì vua đầu tiên của cư dân châu thổ sông Hồng. Ngài vốn là một thủ lãnh người Yue, thời Chiến Quốc, sau khi nước mình bị nước Sở đánh chiếm, đã cùng nhóm tùy tòng bỏ sang châu thổ sông Hồng ở. Với kiến thức xây đắp thành lũy và chế tạo khí giới, Ngài [cùng nhóm của mình] đã giúp cư dân bổn địa tổ chức xây đắp thành Cổ Loa và chế tạo khí giới để giữ thành. Khi mất, Ngài được an táng theo tục lệ quê mình là chôn trong hòm cây [từ đó cư dân bổn xứ cũng theo tục này tới cả ngàn năm sau].

Đó là giả thiết mà tôi dè dặt đặt ra cho vì vua đầu tiên của cư dân thời đồ đồng ở châu thổ sông Hồng, nhớ rằng mình vẫn chưa biết được nhiều điều liên quan, thí dụ dữ liệu DNA của vì vua đó.

12.4. Thảo luận

Nếu bạn hỏi ‘vì vua đầu tiên’ ở giả thiết trên là Hùng Vương hay là An Dương Vương, thì lúc này tôi chưa có dữ liệu gì để nối ‘vì vua đầu tiên’ đó với nhơn vật nào trong huyền sử hết. Và nếu bạn nghĩ rằng tôi đặt ra giả thiết kỳ cục, thì, thiển nghĩ, việc đó cũng chẳng kỳ cục hơn so với những nhà khảo cứu trong nước khi họ chẳng có chứng cớ gì hết mà vẫn một mực tin rằng Hùng Vương và An Dương Vương đều có thực.


[1] Charles F.W. Higham, The later prehistory of Southeast Asia and southern China: the impact of exchange, farming and metallurgy. Asian Archaeology (2021) 4:63–93.

[2] Mark Alves. Early Sino-Vietnamese lexical data and the relative chronology of tonogenesis in Chinese and Vietnamese. Bulletin of Chinese Linguistics 11 (2018) 3-33.

[3] https://en.wiktionary.org/wiki/

[4] Robert Bahlieda (2015) The legacy of patriarchy. Counterpoints, 2015, vol. 488, The democratic gulag: patriarchy, leadership & education (2015).

[5] Nam C. Kim (2015) The origins of ancient Vietnam.

[6] Nam C. Kim, Trinh Hoang Hiep, Russell Quick and Vo thi Phuong Thuy. Co Loa: biography of an anomalous place. Journal of Urban Archaeology, 7 (2023).

[7] Marilynn Larew. Thục Phán, Cao Tông, and the transfer of military technology in third century Việt Nam. East Asian Science, Technology, and Medicine, No. 21, 2003.

[8] Diệp Đình Hoa và Phạm Văn Kỉnh (1963) Những ngôi mộ cổ tìm thấy ở Việt Khê, Hải Phòng. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 49 (tháng 4).

[9] Bùi Văn Liêm (2000) Mộ thuyền trong văn hóa Đông Sơn ở Việt Nam (tóm lược).

[10] https://baohatinh.vn/van-hoa-ha-tinh/phat-hien-mo-thuyen-cua-nguoi-viet-co/136786.htm

Nguồn bài viết: https://nghiencuulichsu.com/2023/09/11/nguon-goc-nguoi-viet-bai-12/

admin

About Author

You may also like

Lịch sử Việt Nam

Nguồn gốc người Việt – Phần 1

  • Tháng mười hai 1, 2023
1.   Giới thiệu 1.1.  Đại phong là gì? Với loạt bài này, tôi muốn trình bày một số kết quả
Lịch sử Việt Nam

Nguồn gốc người Việt – Phần 2

  • Tháng mười hai 1, 2023
2.   Hòa Bình 2.1.  Giới thiệu Hòa Bình là một ‘truyền thống làm đồ đá’ (lithic technological tradition),[1] gọi theo tên của