Nguồn gốc người Việt – phần 11
11. Đông Sơn: manh mối trên mặt trống đồng
Phần 9 cho thấy dường như một nhóm di dân bên Vân Nam đã sang Đông Sơn ở chung với thồ dân và giúp thồ dân đúc nên những cái trống đồng đẹp mắt. Nhóm di dân đó là ai và họ có để lại dấu tích chi nơi người Việt thời nay hay chăng, ta sẽ tìm hiểu ở phần này.
11.1. Văn hóa đồ đồng bắc Đông Á
Phần 9 có nhắc qua ‘Seima-Turbino phenomenon’, một nền ‘văn hóa đồ đồng’ từ vùng núi Altai lan sang phía tây lục địa Ấn-Âu (Eurasia) khoảng 2200–1700 BCE.[1] Lin et al[2] cho rằng Seima-Turbino cũng là nguồn tạo ra những nền văn hóa đồ đồng ở miền bắc Đông Á, thí dụ Erlitou, trên cái nền là những nền văn hóa đá mới tại chỗ, thí dụ Longshan (hình 1).
Hình 1. vẽ lại theo Lin et al.2
- Đồ đồng: lower Xiajiadian 夏家店 (2200–1600 BCE), Qijia 齊家 (2200–1600 BCE), Siba 四坝 (c1900–1500 BCE), Erlitou 二里头 (1750–1530 BCE), Yueshi 岳石 (c1900–c1500 BCE).
- Đá mới: Lungshan 龍山 (c3000–c1900 BCE).
Văn hóa đồ đồng bắc Đông Á có nhiều món đồ 3-chưn, làm theo mẫu mã hồi thời đá mới, từ những thứ nhỏ xíu như tước 爵, giác 角, giả 斝, hòa 盉 cho tới những thứ bự hơn như đảnh 鼎, lịch 鬲.[3] (Người ta đã đào được một cái đảnh 4-chưn đúc hồi trào Thang nặng tới 830 kg.) Hình 2 bên trái là một cái đảnh ở văn hóa Erlitou,[4] bên phải là một cái lịch ở văn hóa Xiajiadian.[5]
Hình 2.
11.2. Manh mối
Trong những trống ‘Đông Sơn’ có một cái đặc biệt: trống Khai Hóa, gốc ở Vân Nam – Quý Châu, nói ‘đặc biệt’ là vì trên mặt trống có hình vẽ một món đồ 3-chưn (hình 3 góc dưới bên trái).
Hình 3. N.V.Huyên và H.Vinh.[6]
P.Q.Quân[7] mô tả một trống khác, chẳng rõ gốc gác nơi đâu, có hình vẽ một món đồ 3-chưn trên mặt trống. Trống này dường như cũng làm ở Vân Nam, với cái cách vẽ hình con bò, hình người ta hóa trang, hình người ta ái ân, theo lối tả thực.
Ta không chắc món đồ 3-chưn vẽ trên hai cái trống đồng đó là đảnh hay lịch, nhưng nó chính là manh mối nối văn hóa Điền ở Vân Nam với một nền văn hóa đồ đồng ở bắc Đông Á. Murowchick,[8] dùng dữ liệu khác, nối văn hóa Điền với văn hóa trào Thang (1500–1000 BCE).
Vậy ta giả sử rằng một nhóm di dân từ miền bắc Đông Á đã đem kiến thức nghề đúc đồng xuống Vân Nam, rồi từ đây xuống đồng bằng sông Hồng (hình 4).
Hình 4. vẽ lại theo Lin et al.2
Tiếp theo, ta tìm dữ liệu để ‘test’ giả thiết đó.
11.3. Dữ liệu DNA
Phần 5 đã nêu dữ liệu của Ren et al,[9] cho thấy ‘genome’ của nhóm Đông Sơn, so với Mán Bạc, có thêm thành phần của hai nhóm:
- cư dân đá mới ở vùng sông Hoàng Hà (màu tím lợt, hình 5),
- tổ của những người nói tiếng Hmong-Mien thời nay (màu xanh lam, hình 5).
Ở đây nói rõ thêm:
- dữ liệu của những tác giả khác, thí dụ Wang et al,[10] cho thấy cư dân đá mới Hoàng Hà với cư dân đồ đồng Hoàng Hà thì có genome nói chung là na ná như nhau;
- thành phần Hmong-Mien đã có sẵn trong genome của cư dân đá mới – đồ đồng Hoàng Hà.
Vậy, ta hiểu rằng genome của người Đông Sơn có thêm thành phần của cư dân thời đồ đồng ở vùng sông Hoàng Hà (màu tím lợt trong hình 5).
Hình 5. vẽ lại theo Jen et al.9
11.4. Dữ liệu ngôn ngữ
Những thứ tiếng Sinitic bên Tàu thời nay (thí dụ ‘quan thoại’) được cho là nảy ra từ một cái gốc kêu bằng ‘Old Chinese’ (viết tắt ‘OC’) hồi trào Thang (1500–1000 BCE). Có điều lạ là tiếng Việt thời nay vẫn còn một số ‘từ’ (word) dường như đã mượn của OC.
Ở những thí dụ bên dưới, chữ đậm là cách đọc OC do Zhengzhang (1933–2018) tái lập.[11]
Thí dụ 1.[12]
- ngan 雁 *ŋraːns (ngỗng trời)
Thí dụ 2.[13]
- đồng 銅 *doːŋ
- cưa 鋸 *kas
- búa 斧 *paʔ
- kích 戟 *kraɡ
- đao 刀 *taːw
- gươm 劍 *kams
Thí dụ 3.[14]
- kim 針 *kjum
- lồng 笼 *roŋ
- ngói 瓦 *ŋʷraːlʔ
Thí dụ 4.[15]
- lúa 稻 *l’uːʔ
- cà 茄 *ɡa
- vãi 播 *paːls (gieo)
- đực 特 *dɯːɡ
- phổi 肺 *pʰobs
- giường 床 *zraŋ
- bu 婦 *bɯʔ (vợ)
- chị 姊 *ʔsiʔ
- gang 鋼 *klaːŋ (thép)
- bạc 白 *braːɡ (trắng)
- xanh 青 *sʰleːŋ
Thí dụ 5.[16]
- lụa 縷 *roʔ
- gấm 錦 *krɯmʔ
- kén 繭 *keːnʔ (ổ con tằm)
- lốt 蛻 *l’oːds (rắn thay lốt)
- câu 鈎 *koː (lưỡi câu)
- ngà 牙 *ŋraː
- cậu 舅 *ɡuʔ
- mả 墓 *maːɡs
- lộn 亂 *roːns
- đai 帶 *taːds
- nhì 二 *njis
- muôn 萬 *mlans (mười ngàn)
- mũ 帽 *muːɡs
Thí dụ 6.[17]
- chén 盞 *ʔsreːnʔ
- bình 瓶 *beːŋ
- lò 爐 *raː
Những ‘từ’ đó, phần lớn, về sau cũng đọc theo kiểu khác, thí dụ 稻 (lúa) về sau đọc là đạo (nhưng đạo chẳng có liên quan chi tới gạo vốn là một ‘từ’ riêng của người nói tiếng Austroasiatic).
Một số ‘từ’ OC đã thay cho những ‘từ’ Austroasiatic cùng nghĩa mà cư dân đồng bằng sông Hồng trước thời Đông Sơn đã nói, nên người Việt không còn xài những ‘từ’ đó như những nhóm khác nói tiếng Austroasiatic, thí dụ bảng dưới.
proto-Vietic[18] | proto-Bahnaric18 | proto-Katuic18 | OC | |
gươm | *t-kɨəm | *caŋ | – | khua [gươm] 揮 *qʰul |
đao | *-taːw | *braː / *piːt | *braa / *ʔmbɨat | – |
tên | *saːl | *kam / *raŋ | *carah / *kam | tên 箭 *ʔslens |
eo | – | *-kiəŋ / *tnɔːj | *trweeŋ | eo 腰 *qew |
tim | *seːmʔ | *nɔːs / *nuːs | *-cial / *pahəəm | tim 心 *slɯm |
gan | *t-kaːn | *kləːm | *lɔɔm | gan 肝 *kaːn |
11.5. Kết luận
Dò theo manh mối trên mặt hai cái trống đồng, ta đã tìm ra dữ liệu DNA và dữ liệu ngôn ngữ cho thấy một nhóm di dân thời đồ đồng hồi trào Thang [từ vùng văn hóa Longshan ở sông Hoàng Hà, hình 1] đã có mặt ở đồng bằng sông Hồng sống chung với cư dân bổn địa, khoảng vài trăm năm trước công nguyên, trở thành một lớp tổ của người Đông Sơn và người Việt thời nay.
Trước khi xuống đồng bằng sông Hồng, nhóm di dân đó đã ở Vân Nam, sau 1000 BCE.
Nhóm di dân đó thì không đông như những nhóm di dân thời đá mới đã tới Mán Bạc. Có lẽ phần lớn bọn họ là thợ đúc trống đồng mà thôi. Dầu vậy, không kể trống đồng thì họ còn giúp cho cư dân bổn địa biết thêm nhiều điều mới, như đắp thành chẳng hạn. Đáng nói hơn hết, họ đã giúp cư dân bổn địa lập nên một cái cộng đồng do người đàn ông làm chủ, thay cho cái cộng đồng ở Mán Bạc do người đàn bà làm chủ như đã nêu ở phần 5.
Tóm lại, không có nhóm di dân đồ đồng tới Đông Sơn thì chưa chắc có nước Việt ngày nay.
[1] Evgeny Chernykh, The ‘Steppe Belt’ of stockbreeding cultures in Eurasia during the Early Metal Age, Trabajos de Prehistoria 65, N.º 2, Julio-Diciembre 2008.
[2] Lin Meicun & Xiang Liu, The origins of metallurgy in China, Antiquity 91 359, e6 (2017): 1–6.
[3] http://www.chinaknowledge.de/Art/Bronze/bronze.html
[4] https://factsanddetails.com/china/cat2/sub1/entry-5373.html
[5] Liu Guoxang, On the bronzes of the Upper Xiajiadian culture, http://www.kaogu.cn/en/Chinese%20Archaeology/2/Ar_ch018.PDF
[6] Nguyễn Văn Huyên và Hoàng Vinh (1975) Những trống đồng Đông Sơn đã phát hiện ở Việt Nam.
[7] Phạm Quốc Quân, Một trống đồng Đông Sơn đáng chú ý ở Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Thông báo khoa học số 2 năm 2019.
[8] Robert E. Murowchick, The political and ritual significance of bronze production and use in ancient Yunnan, Journal of East Asian Archaeology, 2001.
[9] Ren Z, Yang M, Jin X, Wang Q, Liu Y et al (2022) Genetic substructure of Guizhou Tai-Kadai-speaking people inferred from genome-wide single nucleotide polymorphisms data. Front. Ecol. Evol. 10:995783.
[10] Jiawen Wang, Lin Yang, Shuhan Duan, Mengge Wang, Guanglin He et al, Genome‑wide allele and haplotype‑sharing patterns suggested one unique Hmong–Mien‑related lineage and biological adaptation history in Southwest China, Human Genomics (2023) 17:3.
[11] https://en.wiktionary.org/wiki/
[12] Mark J. Alves (2015) Ethno-historical Implications of etyma for ‘Chicken’, ‘Duck’, and ‘Goose’ in China and Southeast Asia.
[13] Mark J. Alves (2015) Historical Notes on words for knives, swords, and other metal implements in early Southern China and mainland Southeast Asia.
[14] Mark J. Alves (2019) Data from multiple disciplines connecting Vietic with the Dong Son culture.
[15] Mark Alves (2020) Historical ethnolinguistic notes on proto-Austroasiatic and proto-Vietic vocabulary in Vietnamese.
[16] Mark J. Alves (2021) Vietnamese etymological research: modern resources, methods, and recent insights.
[17] Mark Alves (2022) Lexical evidence of the history of ceramics in mainland Southeast Asia pottery.
[18] http://sealang.net/monkhmer/dictionary/
Nguồn bài viết: https://nghiencuulichsu.com/2023/08/08/nguon-goc-nguoi-viet-bai-11/