Nguồn gốc người Việt – Phần 1
1. Giới thiệu
1.1. Đại phong là gì?
Với loạt bài này, tôi muốn trình bày một số kết quả khảo cứu đã công bố mới đây, mà phần lớn là của học giả phương tây, mong đem lại cho đôc giả đôi ba mẩu dữ liệu đáng tin, liên quan tới chủ đề ‘nguồn gốc người Việt’. Chủ đề này dễ gây ra ‘không khí căng thẳng’, nên, trước hết, tôi sẽ kể một câu chuyện ngồ ngộ đã coi trong sách giáo khoa hồi nhỏ.
‘ Hai anh kia nói với nhau:
‘ “Đố mày biết đại phong là gì?”
‘ “Ủa, đại phong là gió lớn chớ gì?”
‘ “Trật, đại phong là lọ tương.”
‘ “Nói bậy đi.”
‘ “Nghe nè: đại phong là gió lớn, gió lớn thì đổ chùa, đổ chùa thì tượng lo, tượng lo là lọ tương. Vậy đại phong là lọ tương. Hổng phải sao?” ’
Tưởng đâu đó là bịa ra cho vui, ai dè ngoài đời cũng có một chuyện na ná.
‘ Hai ông kia nói với nhau:
‘ “Đố anh biết người Hòa Bình là gì?”
‘ “Ủa, người Hòa Bình là người Hòa Bình chớ gì?”
‘ “Trật, người Hòa Bình là người Việt.”
‘ “Nói bậy đi.”
‘ “Nghe nè: người Hòa Bình làm ra cái rìu, nên người Hòa Bình là người mang rìu, mà rìu còn gọi là việt, nên người mang rìu là người mang việt, mà người mang việt nói gọn thành ra người việt. Vậy người Hòa Bình là người Việt. Hổng phải sao?” ’
Chuyện đó tôi thấy trên ‘internet’, trong một bài mà tác giả không những đã tạo ra nhơn vật hoang đường người Việt theo cách nêu trên, mà còn gán cho nhơn vật đó đủ thứ hoang đường nữa.[1] Bài đó, và mấy bài khác của cùng tác giả, có giá trị khoa học hay chăng, và tác giả có tôn trọng người khác hay chăng khi lặp đi lặp lại những điều hoang đường như vậy, thì nhiều vị độc giả đã ‘comment’ rồi, nên ở đây tôi không bàn thêm. Dù sao, nhơn dịp này, tôi cũng thấy cần nêu ra đôi ba mẩu dữ liệu khoa học có liên quan tới chủ đề, mà dường như vị tác giả đó chưa biết, để chúng ta cùng nhau tham khảo.
1.2. Chùng
‘Chủng’ là một cái ý lỗi thời dùng để phân biệt loài người, mà cách nay hơn bảy năm tôi đã có dịp giải thích ở một bài khác,[2] nên không lặp lại ở đây (độc giả coi lại bài đó để hiểu rõ hơn); dù vậy, hình 1 cũng đủ cho thấy cái ý ‘chủng’ đã bị học giả phương tây quăng vô sọt rác từ những năm 1960.
Trong bối cảnh đó, ta dễ hiểu vì sao Bình Nguyên Lộc (1914–1987) hồi đầu những năm 1970 đã gắn cái nhãn ‘chủng cực nam Mongoloid’ cho người Việt; song le, tới năm 2019 mà Nguyễn Lân Cường, vị ‘chuyên gia đầu ngành’ từng cộng tác với học giả nước ngoài, vẫn gắn cái nhãn ‘chủng Indonesian’ cho người Việt,[3] thì thiệt là khó hiểu, nhưng thiệt là dễ giận.
1.3. Người thời nay rời châu Phi ra bên ngoài
Giả thiết ‘out of Africa’ (viết tắt ‘OOA’) đã bắt đầu phổ biến từ những năm 1990 ở phương tây (hình 2), cho rằng ‘người thời nay’ (anatomically modern human, viết tắt ‘AMH’) từ châu Phi đi ra bên ngoài trong quãng 100 ngàn năm qua.
Hình 2. Tần số của ‘early human migration’ trong kho sách của Google từ 1800 tới 2019.
Giả thiết OOA tới nay có nhiều ‘version’. Rasmussen et al[4] khảo sát ‘genome’ của một người thổ dân châu Úc và cho kết quả như hình 3.
Hình 3. (Rasmussen et al4)
Theo đó, AMH rời châu Phi qua tới Tây Á thì từ đó bắt đầu hai đợt di cư:
- đợt 1 (62–75 ngàn năm trước): đi sang Nam Á, lai với một nhóm Denisovan, rồi tới châu Úc lối 50 ngàn năm trước, là tổ tiên của thổ dân ở đó ngày nay (màu đỏ trong hình);
- đợt 2 (25–38 ngàn năm trước): gồm một nhánh đi lên châu Âu và một nhánh đi sang châu Á, nhánh sau có lai với dòng dõi của đợt 1 trước khi tách ra hai nhánh nữa: (1) đi xuống châu Úc, (2) đi sang châu Mỹ hồi 15–30 ngàn năm trước (màu đen trong hình).
Bons et al[5] cho rằng sở dĩ AMH từ châu Phi lan ra bên ngoài là vì ở giữa châu Phi có một khối người đủ đông để lan ra xung quanh, một cách ngẫu nhiên, vậy thôi, chớ không cần nhờ một điều kiện thuận lợi nào của môi trường hay sanh thái (ecology) thúc đẩy: việc đó cũng giống như giọt mực loang ra trong lu nước một cách ngẫu nhiên chớ không loang theo hướng nào nhứt định (hình 4).
Hình 4. (Bons et al5)
Teixeira et al[6] dựa theo dữ liệu gene, cho rằng AMH rời châu Phi tới Tây Á hồi 50–60 ngàn năm trước thì lai với một nhóm Neandertal (chữ N ở hình 5) rồi tách ra hai nhánh: (1) đi lên châu Âu, (2) đi sang châu Á; nhánh 2 đi ngang Nam Á thì lai với một nhóm ‘early hominin’ (số 1 ở hình 5) sau đó tách ra hai nhánh nữa: một nhánh xuống châu Úc, một nhánh đi lên Đông Á và lai với một nhóm Denisovan (số 3 ở hình 5).
Hình 5. (Teixeira et al6)
1.4. Cây lúa tới Đông Nam Á
Hai nơi xưa nhứt có di tích cây lúa Oryza sativa japonica đã thuần hóa, một cách riêng rẽ, là Chengtoushan ở trung du sông Dương Tử (4250 BCE) và Hemudu ở hạ du sông Dương Tử (4800 BCE), từ đó nghề trồng lúa lan ra những nơi khác (hình 6), và người ta tính ra rằng ở Đông Nam Á [đất liền] thì phải cần trung bình ít nhứt hai người di dân mới làm cho một người thổ dân biết trồng lúa, nói cách khác: thường thì thổ dân không thể nào biết trồng lúa nếu không có di dân [biết trồng lúa] đi tới đó ở chung với họ.
Tài liệu trích dẫn: Fuller et al.[8]
Việc ‘thuần hóa’ cây lúa dại sao cho bông lúa không bị rụng và hột lúa bự hơn, chẳng hạn – nói đại khái là làm sao cho cây lúa mọc hoang trở thành cây lúa nhà trồng – là một quá trình dài hàng ngàn năm, xảy ra trong quãng 6500–4500 BCE.
Từ xưa người ta đã nhận ra ít nhứt hai thứ lúa Oryza sativa indica và O. s. japonica có xuất xứ khác nhau: japonica ở Tàu và indica dường như ở Nam Á. Hai thứ đều trồng ở Đông Nam Á từ lâu: ở Đông Nam Á đất liền thì japonica trồng đất cao ăn nước trời và indica trồng đất thấp ăn nước tưới. Thứ lúa đầu tiên từ bên Tàu đưa sang Đông Nam Á dường như là japonica. Về sau indica [từ bên Ấn] nhiều lần đưa sang Đông Nam Á trồng với japonica. Dữ liệu bên Thái cho thấy lúa indica trồng sớm nhứt từ mấy thế kỷ đầu công nguyên rồi lan rộng trước thời đế quốc Angkor. Lưu ý rằng nhiều thứ cây trồng khác gốc ở Ấn đưa qua Đông Nam Á còn sớm hơn cây lúa, quãng 300-200 BCE, thí dụ đậu xanh (Vigna radiata) và bông vải (Gossypium arboreum).
Chứng cớ khảo cổ cho thấy vùng sông Hằng đã trồng lúa từ 2500 BCE, có lẽ là indica. Sau 1000 BCE nghề trồng lúa lan tới miền nam Ấn Độ và Sri Lanka, với đủ thứ ‘ecotype’ trồng khô và trồng tưới.
Song le, có một nhóm ‘ecotype’ kêu bằng Aus, Boro và Rayada ở miền bắc Ấn Độ và Bangladesh, gọi chung là ‘circum-aus’, thì khác với indica y như indica khác với japonica vậy. Nhóm lúa ‘circum-aus’ cũng đưa sang Đông Nam Á, mà ở Việt Nam (viết tắt ‘VN’) gọi chung là ‘lúa Chiêm’, ngắn ngày, rồi từ VN lúa Chiêm đưa qua Tàu hồi thế kỷ 10, giúp ích cho dân bên đó nhiều lắm.
1.5. Thảo luận
Giả thiết OOA (hình 3-4-5) không cho biết AMH đã đi tới bất cứ một nơi nào rõ rệt trên thế giới, thí dụ VN, huống chi thời đó cũng chưa có vùng đất nào gọi là VN như thời nay. Rồi từ AMH cho tới người Việt [thứ thiệt] còn cách xa vài ba chục ngàn năm nữa, bởi vậy, khó mà dựa vô giả thiết OOA để suy ra bất cứ điều gì đáng tin liên quan tới nguồn gốc người Việt mà không kèm theo những bằng chứng khác.
VN ở trong vùng có hai giống lúa hoang Oryza nivara và Oryza rupifogon,[9] nên thổ dân VN thời xưa có thể hái lượm hột lúa hoang đó để ăn. Song le, thuần hóa lúa hoang là một việc khác, mà ở VN chưa thấy chứng cớ. Bởi vậy, trong khi chờ thêm dữ liệu, ta tạm thời tin rằng nghề trồng lúa từ phía nam Đông Á đã truyền tới VN và Đông Nam Á, có thể theo cái cách ở hình 6 (demic diffusion) hoặc theo cách khác: thổ dân học nghề trồng lúa của những nhóm người kế bên, thí dụ Quảng Tây hoặc Vân Nam (cultural diffusion).
Tóm lại, ở bài này ta chưa nói gì tới người Việt [thứ thiệt] hết. Xin hẹn bài sau.
[1] Hà Văn Thùy (2020) Người khai phá lưu vực Hoàng Hà.
[2]
http://chimviet.free.fr/dantochoc/dongocgiao/DoGiaon052_MaLai_a.htm
[3] Nguyễn Lân Cường, Những nghiên cứu cổ nhân học quan trọng của Việt Nam (1906 – 2018). Khoa Học, Đại học Đà Lạt, tập 9, số 3, 2019.
[4] Morten Rasmussen, Xiaosen Guo, Yong Wang, Kirk E. Lohmueller, Simon Rasmussen, Anders Albrechtsen, Line Skotte, Stinus Lindgreen, Mait Metspalu, Thibaut Jombart, Toomas Kivisild, Weiwei Zhai, Anders Eriksson, Andrea Manica, Ludovic Orlando, Francisco M. De La Vega, Silvana Tridico, Ene Metspalu, Kasper Nielsen, María C. Ávila-Arcos, J. Víctor Moreno-Mayar, Craig Muller, Joe Dortch, M. Thomas P. Gilbert, Ole Lund, Agata Wesolowska, Monika Karmin, Lucy A. Weinert, Bo Wang, Jun Li, Shuaishuai Tai, Fei Xiao, Tsunehiko Hanihara, George van Driem, Aashish R. Jha, François-Xavier Ricaut, Peter de Knijff, Andrea B Migliano, Irene Gallego Romero, Karsten Kristiansen, David M. Lambert, Søren Brunak, Peter Forster, Bernd Brinkmann, Olaf Nehlich, Michael Bunce, Michael Richards, Ramneek Gupta, Carlos D. Bustamante, Anders Krogh, Robert A. Foley, Marta M. Lahr, Francois Balloux, Thomas Sicheritz-Pontén, Richard Villems, Rasmus Nielsen, Jun Wang and Eske Willerslev, An aboriginal Australian genome reveals separate human dispersals into Asia. Science. 2011 October 7; 334(6052): 94–98. doi:10.1126/science.1211177
[5] Bons PD, Bauer CC, Bocherens H, de Riese T, Drucker DG, Francken M, Menéndez L, Uhl A, van Milligen BP, Wißing C. Out of Africa by spontaneous migration waves. PLoS One. 2019 Apr 23;14(4):e0201998. doi: 10.1371/journal.pone.0201998. PMID: 31013270; PMCID: PMC6478371.
[6] Joao C. Teixeira and Alan Cooper, Using hominin introgression to trace modern human dispersals. PNAS July 30, 2019, vol 116, no 31.
[7] José M. Coboa, Joaquim Forta, Neus Iserna, The spread of domesticated rice in eastern and southeastern Asia was mainly demic, Journal of Archaeological Science 101 (2019).
[8] Dorian Fuller and Cristina Cobo-Castillo, The origins and spread of cereal agriculture in Mainland Southeat Asia, in The languages and linguistics of mainland Southeast Asia: A comprehensive guide, ed Paul Sidwell, Mathias Jenny (2021).
[9] Robert N. Spengler III, Sören Stark, Xinying Zhou, Daniel Fuks, Li Tang, Basira Mir‑Makhamad, Rasmus Bjørn, Hongen Jiang, Luca M. Olivieri, Alisher Begmatov and Nicole Boivin, A journey to the West: The ancient dispersal of rice out of East Asia. Rice (2021) 14:83.