Ethereum là gì? Những điều bạn cần biết về Ethereum
Với sự đột phá về công nghệ và tiềm năng ứng dụng vô cùng đa dạng, Ethereum đã thu hút sự chú ý của cả giới đầu tư và những người quan tâm đến việc tạo ra một hệ thống tài chính phi tập trung và phân quyền. Vậy, cụ thể thì Ethereum là gì và vì sao nó lại được quan tâm đến vậy? Cùng tìm hiểu nhé!
I. Đôi nét về Ethereum
1. Ethereum là gì?
Ethereum là nền tảng blockchain Layer 1 phát triển nhất và là đồng tiền điện tử hàng đầu trên thị trường, chỉ đứng sau Bitcoin tính theo vốn hoá. Được thành lập bởi Vitalik Buterin vào năm 2013, Ethereum đã trở thành dự án đầu tiên mở rộng khả năng của blockchain qua việc giới thiệu về hợp đồng thông minh (smart contract).
Với Ethereum, người dùng không chỉ có thể sở hữu và giao dịch đồng tiền điện tử Ether (ETH), mà các nhà phát triển (developer) còn có thể xây dựng và triển khai các ứng dụng phi tập trung (DApps) và các hợp đồng thông minh (Smart Contracts) trên nền tảng blockchain này.
Ethereum đặt nền móng cho hàng ngàn startup công nghệ và công ty lớn trên toàn cầu, cung cấp một nền tảng để thúc đẩy sự đổi mới cũng như phát triển trong các lĩnh vực như tài chính phi tập trung (DeFi), Blockchain Gaming, NFT và nhiều lĩnh vực khác.
2. Vitalik Buterin là ai?
Khi trả lời câu hỏi Ethereum là gì, không thể không kể tới Vitalik Buterin. Anh là một trong những cá nhân quan trọng và có tầm ảnh hưởng nhất đến ngành công nghiệp tiền điện tử.
Ngay từ thuở nhỏ, Vitalik đã thể hiện khả năng toán học hơn người và được chọn vào lớp học dành cho học sinh năng khiếu. Kể từ đó, anh được phát triển khả năng về toán học, lập trình và kinh tế ngày một nhiều hơn.
Với khả năng phân tích và kiến thức sâu rộng về ngôn ngữ lập trình, anh đã trở nên nổi tiếng khi sáng lập nên Ethereum ngay khi chưa tròn 20 tuổi.
3. Sự hình thành của Ethereum
3.1. Trước khi Ethereum được ra đời
Vào năm 17 tuổi, Vitalik biết đến Bitcoin qua người cha của mình – một nhà khoa học máy tính. Khi đó, Bitcoin mới chỉ ra mắt được 2 năm.
Vitalik bấy giờ khá nghi ngờ về giá trị của BTC vì đồng tiền này không được bên nào hỗ trợ. Nhưng càng tìm hiểu, Vitalik càng muốn tham gia nền kinh tế mới này.
Tuy nhiên, điều kiện của Vitalik không cho phép anh có đầy đủ cơ sở vật chất để đào Bitcoin. Sau đó, anh quyết định tìm việc liên quan đến Bitcoin và trở thành cây viết cho tờ Bitcoin Weekly với mức nhuận bút 5 BTC/bài (tương đương 3.5 USD lúc bấy giờ).
Năm 2013, Vitalik đã đi sâu tìm hiểu các dự án crypto ở các nước khác nhau và nhận ra: Bitcoin là một dạng tiền kỹ thuật số tuyệt vời nhưng không phù hợp để xây dựng các ứng dụng nâng cao.
3.2. Khi Ethereum được ra đời
Vào tháng 11 năm 2013, Vitalik đã hoàn thiện ý tưởng với whitepaper Ethereum, anh gửi cho bạn bè và nhận được sự quan tâm của rất nhiều người.
Vào ngày 26/1/2014, Vitalik đã công bố Ethereum tại Hội nghị Bitcoin Bắc Mỹ và Ethereum được tung hô là sẽ “kế nhiệm” Bitcoin.
Vài tháng sau, Ethereum đã tổ chức ICO cho ETH và kêu gọi được 31000 BTC (tương đương $18M tại thời điểm đó).
Vào 2015, Frontier – phiên bản đầy đủ chức năng đầu tiên của Ethereum được chính thức ra mắt. Thành công nhanh chóng của nền tảng này đã thu hút sự chú ý của những gã khổng lồ công nghệ như IBM và Microsoft.
Vào 2016: DAO của Ethereum bị hack, khiến Ethereum phân tách thành 2 blockchain riêng biệt: Ethereum và Ethereum Classic.
Vào năm 2018, Vitalik Buterin và nhóm phát triển đã đưa ra kế hoạch nâng cấp Ethereum lên phiên bản Ethereum 2.0. Quyết định này được đưa ra để giải quyết một số vấn đề quan trọng mà Ethereum gặp phải, bao gồm khả năng mở rộng, tiêu thụ năng lượng, và cải thiện hiệu suất của mạng lưới. Tuy nhiên mãi cho đến 2022, bản nâng cấp này mới được hành thành.
Trên đây là quá trình hình thành của Ethereum. Vậy Ethereum hoạt động theo cơ chế như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu thêm qua phần tiếp theo.
4. Sự khác nhau của Ethereum và Bitcoin – Mục đích của Ethereum
Bitcoin và Ethereum khá giống nhau vì được phát triển trên nền tảng Blockchain. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất đó là mục đích sử dụng của hai đồng tiền này. Với Ethereum, nó được tạo ra như một nền tảng cho việc phát triển hợp đồng thông minh và các Dapps – ứng dụng phân quyền.
Còn với Bitcoin, mục đích của nó là trở thành một loại tiền tệ, một phương thức thanh toán và nơi để lưu giữ giá trị. Ngoài ra, nên tảng Ethereum cũng có những ưu điểm hơn so với Bitcoin như: tốc độ giao dịch nhanh hơn Bitcoin và phí giao dịch rẻ hơn Bitcoin.
5. Ví Ethereum là gì?
Nếu giải thích thuật ngữ này theo hướng kỹ thuật thì có lẽ sẽ rất phức tạp.Nên mình sẽ giải thích nó ngắn gọn như sau:
ERC20 là một tiêu chuẩn sử dụng cho tất cả các token chạy trên nền tảng Blockchain của Ethereum.Và một sự thật rằng anh em có thể tự tạo ra một token ERC20 của riêng mình một cách cực kỳ đơn giản.
Lưu trữ Ethereum ở đâu?
Hiện tại, có khá nhiều sự lựa chọn cho bạn lưu trữ Ethereum một cách an toàn từ ví online cho đến ví offline.Bên dưới là một số loại ví trữ ETH phổ biến nhất: Ví Metamask; Ví Blockchain; ví lạnh Ledger Nano S.
Vậy nên xài ví nào trong 3 ví trên để trữ Ethereum?
Câu trả lời là tùy vào mục đích của mỗi người. Nếu muốn lưu trữ Ethereum trong một thời gian rất dài và không quan tâm đến nó thì có thể dùng ví lạnh Ledger Nano S. Nó là một loại ví an toàn. Còn nếu muốn lưu động nhanh, thường xuyên luân chuyển số ETH để giao dịch thì nên sử dụng hai ví còn lại.
Việc trước tiên cần làm để mua Ethereum là tạo một địa chỉ ví (Wallet) để lưu trữ đồng Ethereum của bạn. Bạn có thể sử dụng ví “Online” hoặc “Offline hay ví lạnh” tùy vào nhu cầu, nếu bạn thường xyên mua bán thì nên dùng ví Online còn nếu dự định trữ lâu dài tầm vài tháng, 1 năm hay vài năm thì có thể dùng ví lạnh.
+ Với ví Online là các nền tảng ví web có thể kể đến một số ví phổ biến và được nhiều người sử dụng nhất như Blockchain.info, CoinBase hay MyEtherWallet.
+ Với ví Offline hay ví lạnh là các loại ví phần mềm hoặc ví USB (có hình dạng như cái USB), có thể kể đến như Ledger Nano S hay Trezor.
II. Ethereum hoạt động như thế nào?
1. Cơ chế hoạt động của Ethereum
1.1. Công nghệ
Ethereum hoạt động dựa trên một mạng blockchain công khai và sử dụng một máy ảo gọi là Máy ảo Ethereum (Ethereum Virtual Machine – EVM) để thực hiện các giao dịch và chạy các hợp đồng thông minh.
Hợp đồng thông minh là một chương trình máy tính tự động và tự thực thi, được viết bằng ngôn ngữ lập trình và được triển khai trên mạng blockchain. Nó được sử dụng để thực hiện các điều khoản và điều kiện của một thỏa thuận một cách tự động và đáng tin cậy, mà không cần đến sự can thiệp của bên thứ ba.
1.2. Ví dụ:
Giả sử người A thuê nhà của người B, người A có thể trả tiền thuê nhà cho người B bằng crypto thông qua blockchain. Sau đó hoá đơn biên nhận sẽ được đưa vào hợp đồng thông minh để xử lý và lưu trữ.
Người B hứa đưa cho người A mã code để mở cửa vào nhà vào 8h sáng hôm sau. Nếu đúng 8h sáng hôm sau, người A không nhận được mã code đúng giờ để vào nhà, thì hệ thống blockchain sẽ tự động trả lại tiền cho người A vì B không thực hiện đúng như thoả thuận.
Nếu B gửi code cho A vào trước 8h sáng (trước kỳ hạn) thì hệ thống hợp đồng thông minh sẽ giữ lại cả tiền và mã code chìa khoá cho đến đúng 8h; khi đó hệ thống sẽ tự động gửi mã code cho A và gửi tiền cho B.
Do đó, hợp đồng thông minh cung cấp một hệ thống trustless (không cần lòng tin), nơi A hay B đều không cần phải lo lắng về các rủi ro tiềm ẩn. Điều này cũng loại bỏ sự cần thiết của bên trung gian. Tại đây, A và B không cần phải trả thêm phí cho dịch vụ trung gian nào trước khi họ có thể thực hiện các thoả thuận mua bán, trao đổi.
1.3. Quá trình hoạt động của Ethereum (khi áp dụng cơ chế POW)
Quá trình hoạt động của Ethereum theo cơ chết POW bao gồm 6 bước sau:
a. Giao dịch: ở đây nhắc tới việc người dùng tạo và gửi giao dịch trên mạng Ethereum. Giao dịch này có thể là chuyển tiền từ một địa chỉ Ethereum đến địa chỉ khác hoặc thực hiện các thao tác khác như triển khai hợp đồng thông minh.
b. Xác nhận giao dịch: Giao dịch được gửi đến mạng Ethereum và được các nút (node) trên mạng xác nhận, đóng góp vào quá trình xác minh và thêm vào một khối (block) trong blockchain.
c. Khai thác khối: Quá trình khai thác khối (mining) được thực hiện bởi các thợ đào (miners) trên mạng Ethereum. Các thợ đào sẽ cạnh tranh giải một bài toán khó và khi giải được, họ được phép thêm khối mới vào blockchain và nhận được phần thưởng bằng Ether (ETH).
d. Xác nhận bởi mạng: Khi một khối mới được thêm vào blockchain, nó được xác nhận bởi các node trên mạng Ethereum. Quá trình này đảm bảo tính toàn vẹn của dữ liệu và giao dịch trên mạng.
e. Chạy hợp đồng thông minh: Máy ảo Ethereum (EVM) là môi trường chạy các hợp đồng thông minh trên Ethereum. EVM đảm bảo việc thực thi các hợp đồng thông minh một cách an toàn và nhất quán trên toàn mạng Ethereum.
f. Gas fee: Khi thực hiện giao dịch hoặc chạy hợp đồng thông minh trên Ethereum, người dùng phải trả một khoản phí gọi là gas fee. Gas fee đại diện cho khối lượng công việc tính toán và tài nguyên mạng mà giao dịch hoặc hợp đồng yêu cầu.
2. EVM và vai trò của EVM trong mạng Ethereum
EVM là một giải pháp nhằm giúp các DApps trên Ethereum có thể tích hợp và tương thích trên nhiều nền tảng blockchain khác nhau. EVM được hiểu là máy ảo Ethereum.
Trong nền tảng blockchain của mình, EVM sẽ đóng vai trò trung gian trong việc thực thi smart contract trên mạng lưới Ethereum.
Mỗi node trên Ethereum sẽ là một EVM riêng nhằm đảm bảo tính minh bạch và phi tập trung của mạng lưới. Nhờ đó EVM sẽ cung cấp một môi trường cho phép nhiều ứng dụng truy cập và chạy theo nhiều cách khác nhau.
Đây chính là tiền đề cho các blockchain EVM phát triển dễ dàng hơn trong việc tích hợp các ứng dụng cơ sở hạ tầng từ hệ sinh thái Ethereum.
Sự ra đời của blockchain EVM
Các nền tảng ra đời sau nếu muốn tận dụng được những Dapps trên Ethereum, họ phải xây dựng lên những nền tảng có thể tương thích với máy ảo Ethereum hay EVM blockchain.
Các developers dù là người mới hay đã có kinh nghiệm đều tốn thời gian để nghiên cứu và làm quen với một ngôn ngữ lập trình mới. Đối với EVM blockchain, những builder chỉ cần tuỳ biến điều chỉnh một chút đã có thể giúp các smart contract hay Dapps của Ethereum chạy được trên các nền tảng blockchain của mình.
Ví dụ về một số EVM blockchain nổi bật: Avalanche, Fantom,…
III. Các giai đoạn cập nhật của Ethereum
1. POW Ethereum là gì? Cơ chế hoạt động
Vậy POW trên Ethereum là gì?
Proof of Work (POW) dịch sang tiếng Việt là Bằng chứng công việc. Đây là cơ chế đồng thuận đầu tiên được tạo ra trên blockchain để xác minh và xác nhận các giao dịch, tạo ra sự đồng thuận và bảo mật mạng.
Trong hệ thống POW, các thợ đào (miners) sẽ cạnh tranh với nhau để giải quyết các bài toán tính toán phức tạp. Quá trình này gọi là “đào” (mining). Để tìm ra đáp án đúng, thợ đào phải tiêu tốn một lượng lớn năng lượng và công việc tính toán.
Khi một thợ đào tìm ra đáp án chính xác, họ có quyền thêm một khối mới vào blockchain và nhận được phần thưởng là đồng tiền của mạng lưới đó.
Cơ chế này đã được áp dụng thành công với Ethereum thời gian trước đây và Bitcoin cho đến hiện tại. Tuy nhiên, cơ chế này tiêu tốn quá nhiều năng lượng và đòi hỏi sự đầu tư vào phần cứng, nên một số nền tảng blockchain đã chuyển sang cơ chế Proof of Stake (POS) để giảm tiêu thụ năng lượng cũng như gia tăng hiệu suất mạng. Và Ethereum là một trong những blockchain đó.
2. Sự chuyển đổi từ POW sang POS trên Ethereum
Vào ngày 15 tháng 9 năm 2022, lúc 06:42:42 UTC, tại khối 15537393, bản nâng cấp The Merge đã được hoàn tất, chuyển Ethereum từ Proof of Work (POW) sang Proof of Stake (POS), gây ra những sự thay đổi khá lớn.
Thay vì yêu cầu các node khai thác chạy thiết bị đắt tiền để khám phá các khối mới, hệ thống POS mới yêu cầu người dùng ký gửi và khóa 32 ETH để trở thành validator của mạng lưới.
The Merge nâng cấp sự đồng thuận của Ethereum từ POW lên POS bằng cách hợp nhất Ethereum Mainnet với hệ thống Beacon Chain Proof of Stake.
Bản nâng cấp này đã cải thiện tính bền vững của Ethereum bằng cách giảm mức tiêu thụ năng lượng và là một phần trong quá trình nâng cấp liên tục của nền tảng Ethereum để cải thiện khả năng mở rộng, bảo mật và tính bền vững.
3. Lợi ích và thách thức của POS
3.1. Lợi ích của POS
- Shard chains: Blockchain POS mới của Ethereum hỗ trợ triển khai “shard chains” (chuỗi phân đoạn) mới. Đây sẽ là 64 blockchain nhỏ hơn, mỗi chain sẽ xử lý các lô dữ liệu của riêng chúng, cho phép Ethereum xử lý nhiều giao dịch hơn đáng kể mỗi giây.
- Ít năng lượng hơn: Blockchain Ethereum mới sử dụng năng lượng ít hơn 99.95% so với phiên bản proof-of-work.
- Giảm rào cản: Bởi các validator không cần phải mua và vận hành thiết bị khai thác đắt tiền, điều này giúp giảm rào cản gia nhập cho mọi người tham gia vào mạng lưới; ngoài ra hỗ trợ cải thiện tính phi tập trung và bảo mật mạng.
3.2. Thách thức của POS
Mặc dù cơ chế POS mang lại nhiều lợi ích nhưng nó cũng tồn tại những thách thức nhất định, cụ thể:
- Sự tập trung hoá: POS có thể tạo ra hiện tượng tập trung tài sản khi những validator có nhiều tài sản dùng để stake hơn sẽ có nhiều cơ hội xác thực khối tiếp theo. Khi đó, validator tích luỹ được càng nhiều tiền thì họ càng có thể stake và kiếm được nhiều tiền hơn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người có nhiều token sẽ có nhiều quyền lực hơn; gây ra sự bất công và mất cân đối trong việc đưa ra quyết định mạng.
- Đồng thuận và bảo mật: Trong POS, việc đạt đồng thuận và đảm bảo bảo mật mạng phụ thuộc vào việc thợ đào có lợi ích kinh tế trong việc tuân thủ quy tắc. Tuy nhiên, nếu một số lượng lớn thợ đào có ý định xấu, có thể xảy ra các cuộc tấn công 51%.
4. Các giai đoạn cập nhật của Ethereum
Sự phát triển ban đầu của Ethereum được chia làm 5 giai đoạn chính: Frontier, Homestead, Metropolis, Serenity/ Ethereum 2.0, Beacon Chain
4.1. Giai đoạn Frontier
Đây là giai đoạn đánh dấu sự ra mắt chính thức của Ethereum và cũng là giai đoạn EVM được giới thiệu, cho phép các developers xây dựng và triển khai các ứng dụng phi tập trung (Dapps) trên blockchain Ethereum.
4.2. Giai đoạn Homestead
Giai đoạn này cung cấp các cải tiến về tính bảo mật và ổn định cho Ethereum; giúp tăng cường khả năng kiểm tra chữ ký, tối ưu hoá hiệu suất và sửa chữa các lỗi trong phiên bản Frontier.
4.3. Giai đoạn Metropolis
Giai đoạn Metropolis được chia thành hai phần: Byzantium và Constantinople.
- Byzantium là bản cập nhật phần mềm của Ethereum, được triển khai vào ngày 16 tháng 10 năm 2017. Giai đoạn này đã mang đến nhiều cải tiến cho sự phát triển của Ethereum; bao gồm việc tăng cường tính bảo mật, khả năng mở rộng. Byzantium cũng mở đường cho việc triển khai các chức năng mới, như hợp đồng thông minh “zk-SNARKs”, cho phép giao dịch được thực hiện với tính riêng tư hơn.
- Constantinople là phần tiếp theo của giai đoạn Metropolis được triển khai vào ngày 28 tháng 2 năm 2019 nhằm cải thiện hiệu suất và giảm chi phí giao dịch.
4.4. Giai đoạn Serenity/Ethereum 2.0
Ethereum 2.0 là một bước cải tiến quan trọng, nhằm gia tăng khả năng mở rộng của Ethereum và chuyển từ Proof of Work (POW) sang Proof of Stake (POS). Serenity giới thiệu Beacon Chain, Shard Chains và Ethereum Docking (đồng nhất với Ethereum 1.0).
4.5. Giai đoạn Beacon Chain
Beacon Chain được kích hoạt vào ngày 1 tháng 12 năm 2020 và là giai đoạn đầu tiên trong quá trình triển khai Ethereum 2.0. Nhiệm vụ của Beacon Chain là quản lý việc đánh giá validator, quản lý chuỗi shard và tạo nên một môi trường đáng tin cậy cho Ethereum 2.0.
IV. Gas fee Ethereum là gì?
1. Gas fee Ethereum là gì?
Nghe đến cụm từ Gas fee đã nhiều, vậy bạn đã biết gas fee trên Ethereum là gì chưa?
Gas fee được hiểu là chi phí cần thiết để thực hiện mỗi giao dịch trên Ethereum.
Ethereum đã và đang phát triển ngày càng nhiều ứng dụng. Một trong số những ứng dụng đã từng làm mưa làm gió trên mạng lưới Ethereum là Crypto Kitties – một ứng dụng nuôi mèo điện tử.
Crypto Kitties đã thu hút sự quan tâm đặc biệt từ cộng đồng crypto lúc bấy giờ. Khi Crypto Kitties trở nên phổ biến, mạng Ethereum đã gặp tình trạng tắc nghẽn hoàn toàn trong khoảng 2 ngày. Trong thời gian đó, phí gas (phí giao dịch) đã tăng lên rất cao, lên đến hàng trăm gwei.
2. Tại sao người dùng cần phải trả phí gas?
Giả sử người A giao dịch bằng Ethereum, ký và gửi giao dịch đó qua ví điện tử khác thì tất cả giao dịch đó sẽ bị đẩy vào mempool.
Mempool được hiểu là một phòng chờ ảo, nơi các giao dịch được đẩy vào pool chờ được xử lý. Những người thợ đào (miner) sẽ chọn các giao dịch để đóng thành block sau đó họ sẽ dùng tốc độ đào để giải quyết các giao dịch trên block ấy.
Nếu mempool quá đầy, thợ đào không thể đưa tất cả giao dịch vào block, họ buộc phải lựa chọn giao dịch để tiếp tục giải quyết.
Khi đó, miner sẽ chọn các giao dịch có phí cao để xử lý trước bởi giao dịch có phí càng cao thì miner càng nhận được nhiều tiền thưởng.
3. Gas limit và gas price
Khi nhắc tới gas, có 2 thuật ngữ cần quan tâm đó là: gas limit và gas price.
- “Gas limit” là lượng gas tối đa mà người dùng cần trả cho một giao dịch. Ví dụ nếu bạn chạy xe hơi, bình xăng của bạn có thể chứa tối đa bao nhiêu lít, đó là “Gas limit”.
- “Gas price” là mức phí phải trả trên mỗi đơn vị gas đã sử dụng. Ví dụ khi đổ xăng, mỗi lít xăng có giá bao nhiêu tiền, đó là gas price.
4. Cách tính phí gas
Cách tính phí giao dịch trên mạng lưới Ethereum: Lấy phí gas cao nhất có thể trả nhân với giá gas mà bạn muốn trả:
- Chi phí giao dịch = gas limit * gas price
Ví dụ: nếu gas limit là 20.000 và giá mỗi đơn vị là 200 gwei, phép tính sẽ là:
20.000 * 200 = 4.000.000 gwei tương đương với 0,004 ETH.
Nhìn vào biểu đồ bên trái, có thể thấy rằng, base fee (phần phí giao dịch bị burn) kể từ sau sự kiện The Merge đạt ATH vào tháng 5 năm 2023. Đây là thời điểm narrative về meme coins lên ngôi khiến phí gas bùng nổ.
5. Tại sao phí gas trên Ethereum không cố định?
Phí gas trên Ethereum không cố định, có thể thay đổi tuỳ thuộc vào những yếu tố sau đây:
- Sự cạnh tranh trong mạng lưới: Khi có nhiều người cùng thực hiện giao dịch một lúc trên Ethereum, sự cạnh tranh để được xử lý nhanh chóng và được đưa vào khối mới sẽ tăng lên. Khi đó, những người dùng sẽ cần trả nhiều hơn để tăng cơ hội giao dịch của họ được ưu tiên. Chúng ta thấy rõ điều này tại những giai đoạn thị trường uptrend.
- Thay đổi giá gas: Người dùng Ethereum có thể tự do đặt giá gas cho giao dịch của họ. Khi mạng không bị tắc nghẽn, người dùng có thể đặt giá gas thấp để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, khi tải lượng giao dịch tăng lên, người dùng có thể tăng giá gas để đảm bảo giao dịch của họ được ưu tiên xử lý nhanh hơn.
- Thay đổi từ mạng lưới: Có thể xảy ra thay đổi quy tắc mạng Ethereum thông qua các cải tiến hoặc nâng cấp. Những thay đổi này có thể ảnh hưởng đến cách tính toán phí gas và làm thay đổi mức độ cao hay thấp của phí gas.
V. Cải tiến và tính năng mới trên Ethereum
1. Ethereum 2.0 và sự chuyển đổi sang POS
Ethereum 2.0 là phiên bản nâng cấp nổi bật của Ethereum. Một trong những cải tiến quan trọng với Ethereum 2.0 là chuyển từ POW sang POS.
Khi chuyển sang POS, người dùng Ethereum có thể trở thành validators bằng cách khoá (lock) một lượng ETH như một khoản tiền cọc và tham gia vào việc xác minh giao dịch.
Thay vì đào coin như cơ chế POW, POS cho phép người dùng kiếm lợi nhuận bằng cách xác minh các giao dịch trên mạng lưới. Sự chuyển đổi sang POS giúp việc sử dụng năng lượng giảm đáng kể và tăng tốc độ xử lý giao dịch trên Ethereum.
2. Shard và việc cải thiện về khả năng mở rộng
Shard là một tính năng quan trọng của Ethereum 2.0, biểu thị việc chia nhỏ mạng lưới thành các phân đoạn nhỏ hơn.
Mỗi shard hoạt động như một mạng lưới độc lập, có khả năng xử lý giao dịch và lưu trữ dữ liệu riêng biệt; giúp nâng cao khả năng mở rộng của Ethereum, cho phép mạng xử lý đồng thời nhiều giao dịch và ứng dụng phi tập trung hơn.
Sau khi The Merge được hoàn tất, bản nâng cấp tiếp theo là Shard Chains được dự kiến ra mắt vào năm nay 2023.
Khi bản nâng cấp này được hoàn tất, mạng lưới dự kiến có thể mở rộng linh hoạt theo nhu cầu và đáp ứng được số lượng người dùng cũng như ứng dụng ngày càng tăng trên Ethereum.
VI. Tiền điện tử và token trên Ethereum
1. Tokenomics
1.1. Thông tin cơ bản về ETH
– Ticker: ETH
– Blockchain: Ethereum
– Token Standard: ERC-20
– Token type: Utility & Governance
– Max Supply: không giới hạn
– Total Supply: 120.224.090
– Circulating Supply: 120.224.090
1.2. ETH ban đầu được phân bổ như thế nào?
Ethereum bắt đầu với nguồn cung 72 triệu Ether (ETH). 83% trong số đó (60 triệu ETH) đã được phân phối cho những người đã mua ETH trong đợt token sale được tiến hành vào tháng 7 và tháng 8 năm 2014.
Trong số 12 triệu ETH còn lại được phân phối khi ra mắt mạng vào năm 2015, một nửa đã được chia cho 83 người đóng góp ban đầu cho giao thức chủ yếu dựa trên thời gian đóng góp. Một nửa còn lại được dành cho Ethereum Foundation.
1.3. Use case của ETH là gì?
– Thanh toán phí gas trên mạng lưới của Ethereum.
– Ngoài ra, ETH còn được sử dụng làm phí gas cho các hoạt động trên nền tảng Layer-2 của Ethereum như Arbitrum, Optimism,…
– Stake để trở thành validator: người dùng có thể stake ETH để trở thành validator và kiếm thêm lợi nhuận
– Tiền tệ thanh toán: ETH được dùng để thanh toán NFT trên một số NFT marketplace như OpenSea, Blur,…
2. Giới thiệu về ERC-20 và ERC-721
2.1. ERC-20 là gì?
ERC-20 là một tiêu chuẩn kỹ thuật được sử dụng để phát hành và triển khai token trên mạng lưới Ethereum.
Đây được coi là một dạng Fungible token – token có thể thay thế. ERC-20 đã trở thành một tiêu chuẩn công nghiệp cho các token trên Ethereum, tạo ra sự đồng nhất trong việc xử lý và giao dịch token trên nền tảng này.
2.2. ERC-721 (hay NFT) là gì?
ERC-721 là một tiêu chuẩn giao dịch token phi tập trung trên nền tảng Ethereum. Khác với ERC-20, ERC-721 định nghĩa các token là duy nhất và không thể thay thế hay còn gọi là NFT.
Mỗi NFT đại diện cho một tài sản hoặc một đối tượng số hóa duy nhất, chẳng hạn như một bức tranh, một trận đấu thể thao hay một bất động sản nào đó. NFT có thể được sử dụng trong nhiều trường hợp:
– Nghệ thuật số: Sử dụng NFT với mục đích sưu tầm và giao dịch các tác phẩm từ những nghệ sĩ nổi tiếng.
– Game và giải trí: NFT được sử dụng trong các blockchain game, cho phép người chơi sở hữu và giao dịch các vật phẩm trong game như trang phục, vũ khí,… và các yếu tố trong game có giá trị duy nhất.
– Bất động sản ảo: NFT cung cấp khả năng sở hữu và giao dịch bất động sản ảo, như đất đai, căn hộ trên blockchain. Điều này tạo ra một thị trường bất động sản ảo mới và mở ra cơ hội đầu tư – kinh doanh trong lĩnh vực.
– Phiên bản số của tài sản truyền thống: NFT được sử dụng để tạo ra các phiên bản số của các tài sản truyền thống như hình ảnh, chứng chỉ sở hữu, giấy chứng nhận,… cung cấp tính toàn vẹn dữ liệu và sở hữu số cho các tài sản truyền thống và tạo điều kiện cho việc giao dịch và chia sẻ chúng trên nền tảng blockchain.
3. Tỷ lệ giảm phát Ethereum sau sự kiện The Merge
Theo Ultrasound.money, Nguồn cung ETH đã giảm mạnh do ETH bị burn sau khi đề xuất EIP1559 được cập nhật. Biểu hiện là nguồn cung ETH giảm gần 300k kể từ sau sự kiện The Merge.
Khi tạo Bitcoin, Satoshi Nakamoto đảm bảo rằng sẽ chỉ có nguồn cung hữu hạn là 21 triệu BTC. Khi toàn bộ 21 triệu Bitcoin được khai thác, không thể tạo ra BTC mới.
Ngược lại, Ethereum có nguồn cung lạm phát khi mới thành lập. Nguồn cung Ether đang tăng với tốc độ hàng năm là 4,5%.
Tuy nhiên, sau sự kiện The Merge, ETH đã trở thành một loại tài sản không lạm phát bởi tốc độ burn đang cao hơn tốc độ phát hành ETH theo tỷ lệ lạm phát hàng năm. Số lượng Ether được burn để duy trì hoạt động của mạng nhiều hơn số lượng Ether được đưa vào lưu thông.
Việc triển khai giao thức EIP-1559 đã thay đổi bản chất kinh tế của Ethereum bằng cách kết hợp việc burn một phần phí gas cho mỗi giao dịch.
Phần phí giao dịch bị burn được gọi là Base fee. Base fee được dùng làm “market rate” để đưa vào giao dịch. Trong mỗi giao dịch, người dùng có thể thêm một khoản tips vào Base fee để khuyến khích người khai thác nhận giao dịch của họ trước.
Ưu điểm:
- UX nhất quán hơn cho người dùng: khi “market rate” được biết đến, các nhà phát triển ứng dụng có thể ước tính phí gas cho các giao dịch chính xác hơn và giúp người dùng tránh trả quá nhiều.
- Loại bỏ hành vi thao túng phí gas: ví dụ, những kẻ xấu lấp đầy các khối bằng các giao dịch trống để tăng phí gas (EIP-1559 đề xuất BASE FEE sẽ bị burn).
- Giảm lạm phát trên ETH: ngoài việc trả ít phí hơn, chủ sở hữu ETH cũng sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ việc giảm lạm phát khi một số khoản phí trả bằng ETH bị burn.
- Giảm tắc nghẽn mạng: Vì kích thước khối có thể tăng lên để đáp ứng nhu cầu (mặc dù chỉ đến một giới hạn nhất định).
- Có khả năng phí thấp hơn: Vì giờ đây mỗi khối có thể phù hợp với nhiều giao dịch hơn, phí giao dịch có thể giảm xuống mức thấp hơn và hợp lý hơn.
Nhược điểm:
– 20 – 35% thu nhập của miner sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp khi Base fee bị burn. (Miner vẫn kiếm được từ tips và block reward).
– Ethereum có thể bị quá tải hơn: với kích thước khối lên tới 25 triệu gas, các nhà khai thác node sẽ phải mở rộng quy mô/ chuẩn bị cơ sở hạ tầng của họ cho phù hợp để xử lý nó.
VII. Ứng dụng phi tập trung (Dapps) trên Ethereum
1. Dapps là gì? Lợi ích của ứng dụng phi tập trung
1.1. Dapps là gì?
Dapps là từ viết tắt của Decentralized Applications – ứng dụng phi tập trung. Được xây dựng và triển khai trên nền tảng blockchain nên các ứng dụng này không có bất cứ đơn vị trung gian hay cơ quan kiểm soát nào có thể quản lý hay điều hành.
1.2. Lợi ích của ứng dụng phi tập trung
Các ứng dụng phi tập trung mang đến nhiều lợi ích cho người dùng: như việc trải nghiệm từ các ứng dụng tài chính như ví điện tử, giao dịch và vay mượn cho đến ứng dụng phi tài chính như trò chơi, chợ NFT,…
Ngoài ra, bởi là ứng dụng phi tập trung nên sẽ giúp tiết kiệm thời gian và tiền bạc cho con người vì không cần sự can thiệp của bên thứ ba trung gian.
2. Ví dụ về các Dapps thành công trên Ethereum
- Crypto Kitties: đây được xem là ứng dụng phi tập trung đầu tiên trên Ethereum. Với Crypto Kitties, người dùng có thể nuôi, giao dịch và chơi với các chú mèo ảo độc đáo.
- Uniswap: Uniswap là sàn DEX và giao thức giao dịch phi tập trung tự động (AMM) xây trên Ethereum, cho phép người dùng swap bất kỳ token chuẩn ERC-20 nào. Uniswap được coi là sàn DEX lớn nhất trên mạng lưới Ethereum.
- Aave: Aave được coi như người anh cả trong làng DeFi. Đây là nền tảng vay và cho vay phi tập trung trên Ethereum; cho phép người dùng gửi tiền và tạo ra hợp đồng vay với lãi suất được xác định thông qua hợp đồng thông minh.
- Decentraland: là thế giới ảo phi tập trung, nơi người dùng có thể mua, sở hữu và trao đổi đất và tài sản ảo bằng token MANA.
- Chainlink: giao thức Oracle phi tập trung trên Ethereum. Chainlink đóng vai trò kết nối giữa các hợp đồng thông minh và nguồn dữ liệu bên ngoài; cho phép các hợp đồng thông minh truy cập an toàn vào nguồn cấp dữ liệu ngoài chain.
3. DeFi (Decentralized Finance)
DeFi được hiểu là tài chính phi tập trung. Đây được coi là ứng dụng thiết thực nhất của blockchain. Một số dự án DeFi nổi bật trên Ethereum có thể kể đến đó là:
- Uniswap: Sàn DEX số 1 trên Ethereum
- Aave: Nền tảng cho vay trên Ethereum
- DYDX: Sàn DEX trên Ethereum
4. NFT (Non-Fungible Token) và thị trường NFT trên Ethereum
NFT hay Non-Fungible Token là token không thể thay thế. Nó đại diện cho các tài sản kỹ thuật số không thể thay thế, mang tính độc nhất và có giá trị riêng biệt.
Tính đến hiện tại, có thể nói ngách NFT phát triển mạnh nhất trên Ethereum. Với những bộ sưu tập NFT hàng đầu có thể kể đến như: BAYC, AZUKI, DEGODS, CAPTAINZ, CRYPTO PUNK, PUDGY PENGUINS…
VIII. Kết luận: tương lai của Ethereum là gì?
Ethereum đã tồn tại 10 năm và vẫn luôn không ngừng phát triển hệ sinh thái. Dưới đây là 3 xu hướng và tiềm năng phát triển của Ethereum trong thời gian sắp tới:
- Nền tảng DeFi: Ethereum đã trở thành nền móng đầu tiên cho các ứng dụng tài chính phi tập trung (DeFi). Chính vì vậy, tiềm năng phát triển trong lĩnh vực DeFi là rất lớn, bao gồm sự mở rộng và đa dạng hóa các dịch vụ tài chính, cải thiện tính thanh khoản và tăng cường tính bảo mật. Điều này sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới cho việc quản lý tài sản và giao dịch trong hệ sinh thái DeFi.
- NFT: NFT đã trở thành một xu hướng phát triển nổi bật trên Ethereum. Sự phát triển của NFTs có thể tiếp tục trong lĩnh vực nghệ thuật, thể thao, giải trí, bất động sản và nhiều lĩnh vực khác. Với tính thanh khoản cao, Ethereum sẽ tiếp tục cung cấp một nền tảng mạnh mẽ cho phát triển và giao dịch NFTs, tạo ra cơ hội mới cho các nghệ sĩ, người sáng tạo, nhà sưu tập và người dùng phổ thông trong tương lai.
- Cải tiến về mở rộng: Ethereum đang tiếp tục nghiên cứu và phát triển các giải pháp mở rộng để tăng khả năng xử lý giao dịch và giảm chi phí. 2 giải pháp mở rộng của ETH đang chiếm sóng hiện tại là Optimistic Rollup và ZK Rollup; giúp nền tảng Ethereum xử lý một lượng giao dịch lớn hơn và hỗ trợ sự phát triển của các ứng dụng phức tạp trên mạng.
Mặc dù Ethereum có những tiềm năng phát triển nhất định nhưng cũng cần lưu ý rằng sự phát triển của Ethereum trong tương lai sẽ phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố như môi trường pháp lý, sự cạnh tranh từ các nền tảng blockchain khác và sự phát triển của công nghệ blockchain nói chung.
Trên đây là toàn bộ nội dung giải thích Ethereum là gì và các thông tin liên quan đến Ethereum. Hy vọng bài viết có ích cho bạn!
Đọc thêm
Disclaimer: Bài viết mang mục đích cung cấp thông tin, không phải lời khuyên tài chính.